Cũng sinh năm 1996. Sau khi học xong Trường trung cấp Y tế Thái Nguyên, anh nhập ngũ, trở thành chiến sĩ công an nghĩa vụ, phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân 3 năm. Cuối năm 2019, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về địa phương ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể.
Phiêng Phàng là một thôn vùng cao, cách trung tâm xã Yến Dương 7 km. Nhiều năm qua, Phiêng Phàng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đường sá đi lại không thuận tiện, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn nên cho thu nhập thấp. Từ nhỏ chứng kiến cái nghèo, cái khó, sự vất vả của người dân quê mình, dường như đã hun đúc cho Dũng một ý chí quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, có khí hậu trong lành, nước suối đầu nguồn mát lạnh từ ngọn núi Phja Bjoóc chảy quanh năm, có những thác nước đẹp. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở đây thích hợp để nuôi cá hồi, cá tầm, tháng 2/2020, Dũng bắt đầu tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn triển khai mô hình nuôi hai giống cá khó tính này.
Dũng chia sẻ, đây là giống vật nuôi hoàn toàn mới tại địa phương, đòi hỏi phải tuân thủ kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là nguồn nước nuôi cá phải sạch, phải có dòng chảy và có nhiệt độ bảo đảm…
Để xây dựng mô hình nuôi cá trên đỉnh Pù Lầu, anh đã dày công san gạt đất, chuyển vật liệu lên đỉnh núi, tìm nguồn dẫn nước suối, kéo điện, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch… Vì đây là mô hình hoàn toàn mới, chưa có ở huyện Ba Bể nên việc làm của Dũng đứng trước nhiều nghi ngờ của người dân. Bước đầu, anh mới chỉ xây hai bể cá với diện tích khoảng 60 m2 để nuôi khoảng 200 con cá hồi và cá tầm. Sau một năm, nhận thấy cá hồi, cá tầm nuôi tại đây có triển vọng, anh đã mạnh dạn xây thêm hai bể nữa.
Hiệu quả mang lại của mô hình ngày càng phát triển và bền vững, xóa đi những nghi ngờ và minh chứng cho hướng đi mạnh dạn của Dũng là đúng đắn. Đầu năm 2022, anh đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã Cá Hồi-Cá Tầm với tám thành viên. Từ bốn bể ban đầu, đến nay, Hợp tác xã đã có 30 bể nuôi cá hồi, cá tầm với diện tích khoảng hơn 3.500 m2, bình quân hằng năm xuất bán ra thị trường khoảng 15-20 tấn cá.
Mặt hàng cá tầm đã có đầu ra ổn định với giá bán từ 300.000-350.000 đồng/kg; 400.000-450.000 đồng/kg cá hồi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, Hợp tác xã thu về khoảng 1,5-2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho tám lao động địa phương, trong đó có ba lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Thấy được lợi thế nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, khí hậu mát mẻ, trong lành, có thác nước đẹp, có rừng trúc nguyên sinh, Dũng mở thêm dịch vụ ăn uống để thu hút khách du lịch. Du khách đến đây đều có những trải nghiệm thú vị, vui nhất là được tự tay bắt những con cá tươi, ngon, sạch và thưởng thức món ngon từ cá hồi, cá tầm; được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hít thở bầu không khí trong lành. Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi cá kết hợp du lịch sinh thái của Dũng ngày càng đông khách.
Tiếp tục niềm đam mê khởi nghiệp, thời gian tới, Dũng sẽ xây dựng mô hình nghỉ dưỡng, lưu trú và mở thêm nhiều dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm, thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. "Vạn sự khởi đầu nan", song Dũng luôn tin rằng, với sức trẻ và bản lĩnh, quyết tâm, chắc chắn sẽ thành công.
Gắn bó với non cao, rừng thẳm để khởi nghiệp là điều đáng quý ở Đặng Hành Dũng. Chàng trai trẻ đã xây dựng thành công "Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại thôn Phiêng Phàng". Mô hình của Dũng càng khẳng định, lớp trẻ hoàn toàn có thể phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương nhờ tận dụng những lợi thế sẵn có.
Mô hình của Dũng đã giành Giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên tỉnh Bắc Kạn năm 2022 do Tỉnh đoàn tổ chức; được lựa chọn vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức.
Với những thành tích đạt được, Đặng Hành Dũng là một trong 42 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 do Trung ương Đoàn trao tặng.