Nông thôn mới thông minh ở Nam Định

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, tỉnh Nam Định đã giành được nhiều kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện, tỉnh từng bước hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng thôn Thụy Nội (xã Yên Lương, huyện Ý Yên) Phạm Văn Hướng giới thiệu về hệ thống loa phát thanh thông minh của thôn.
Trưởng thôn Thụy Nội (xã Yên Lương, huyện Ý Yên) Phạm Văn Hướng giới thiệu về hệ thống loa phát thanh thông minh của thôn.

Theo danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nam Định có xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh xã Giao Phong, huyện Giao Thủy; tổng kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 5,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác 4,5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong, Phạm Văn Sơn cho biết, sau khi được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để xã làm căn cứ rà soát, triển khai thực hiện, với 6 nội dung và 18 tiểu mục tiêu chí. Xã Giao Phong đã chủ động nghiên cứu quy định, tiêu chí, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, có một số tiểu mục tiêu chí đã đạt. Xã phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí, xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh bảo đảm 3 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.

Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định) Trần Xuân Hướng cho biết: Đối với tỉnh Nam Định, việc xây dựng thành công ít nhất một mô hình xã nông thôn mới thông minh là tiêu chí bắt buộc để được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hiện nay, ngoài huyện Giao Thủy có xã Giao Phong đã được Trung ương chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh, các huyện khác trong tỉnh đều đang tiến hành rà soát xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Tỉnh quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh cho mỗi xã đăng ký xây dựng nông thôn mới thông minh là 250 triệu đồng; phát động các phong trào thi đua tham gia hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, tạo được sức lan tỏa đáng ghi nhận...

Hiện nay, nhiều xã đã nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng số, lắp đặt internet có hệ thống wifi phát miễn phí với đường truyền băng thông rộng từ 100 Mbps trở lên tại bộ phận “một cửa” của ủy ban nhân dân xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn, xóm để bảo đảm điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin; tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho nhiều cán bộ, công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số...

Tìm hiểu thực tế tại xã Yên Lương (huyện Ý Yên) cho thấy, xã đã có 100% số địa chỉ hộ dân được gắn mã QR cập nhật trên bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác; 50% số hộ gia đình cài đặt phần mềm “VOV bác sĩ” để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động giáo dục, trao đổi giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; xã có hai bảng điện tử tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và các hoạt động chính trị-xã hội tại địa phương. Yên Lương cũng là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định có hai thôn (thôn Tử Vinh và thôn Thụy Nội) xây dựng mô hình thôn thông minh.

Trưởng thôn Thụy Nội Phạm Văn Hướng hào hứng chia sẻ: Nhờ việc xây dựng thôn thông minh, người dân Thụy Nội được cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương qua hệ thống truyền thanh thông minh; hoặc có thể nhận được sự tư vấn sức khỏe từ ứng dụng trực tuyến cài đặt trên điện thoại, điều trước đây người dân chưa từng nghĩ đến nay đã thành hiện thực, nhờ đó chất lượng sống của người dân trong thôn được nâng lên.

Khảo sát thực tế cho thấy việc xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn cần nỗ lực khắc phục như: Kinh phí đầu tư hạ tầng lớn; việc duy trì, vận hành nền tảng số ở các địa phương còn hạn chế; nhất là nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ của người dân nhiều nơi chưa cao. Do đó tỉnh chủ trương phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng.

Hiện, ở tất cả thôn, xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh đã có Tổ công nghệ số cộng đồng, với số thành viên đông đảo hơn 11.000 người; thực hiện việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số...

Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới thông minh xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; lựa chọn nội dung số hóa phù hợp và đồng bộ

để bảo đảm hiệu quả; tổ chức đào tạo, nhất là tập huấn kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi số, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng..., nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân, làm nền tảng xây dựng thành công nông thôn mới thông minh.