Kiến trúc sư Nguyễn Giang.
Nhiều người có nhu cầu làm nhà gỗ truyền thống biết đến thương hiệu “Gỗ Giang”. Nhưng khi gặp ông chủ thương hiệu, người ta... rụt rè chìa tay ra bắt. Giang quá trẻ. Trong hình dung của mọi người, những người có tay nghề dựng nhà gỗ năm gian phải là những “đầu cánh” thợ mộc vài mươi năm dùi đục. Nhưng Nguyễn Giang chinh phục được đối tác không chỉ bằng kinh nghiệm của người thợ mộc, mà bằng chính đam mê của mình với những nếp nhà truyền thống. Hàng chục nhà thờ họ, hay những ngôi nhà năm gian phong cách truyền thống được Giang dựng lên khắp từ bắc chí nam.
Nguyễn Giang sinh ra và lớn lên ở làng mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Gia đình Giang làm nghề mộc từ nhiều đời, nhưng chủ yếu là đục chạm khắc bàn ghế, giường tủ và các đồ nội thất như bao gia đình khác trong làng. Cậu bé Giang bắt đầu học nghề mộc năm lên chín tuổi. Giang biết đến những đường nét của nếp nhà truyền thống là nhờ trong họ có một ông trẻ chuyên dựng nhà kiểu cổ. Nguyễn Giang thường bảo: “Tôi trước hết là một người thợ”. Mặc dù bây giờ đã là một kiến trúc sư, sau khi tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nhưng Giang vẫn có thể cầm đục hướng dẫn những người thợ trẻ. Những năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, Giang loay hoay tìm phong cách riêng. Kiến thức trên giảng đường giúp Giang nắm bắt được nhiều xu thế kiến trúc của thế giới. Mỗi cái đều có nét đẹp riêng. Mặc dầu vậy, Giang vẫn ấp ủ mơ ước “người Việt phải dùng kiến trúc Việt”. Nhưng khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực luôn xa ngái. Không giống như nhà xây hiện đại, người bỏ tiền ra dựng nhà truyền thống thường là những người có kiến thức, đồng thời, đó cũng là ước mơ ấp ủ nhiều năm, có khi cả cuộc đời họ. Ai dám giao công trình như thế vào tay một kiến trúc sư mới ngoài đôi mươi? Giang bảo rằng, với kiến thức nhà trường dạy, một kiến trúc sư sẽ “bó tay toàn tập” khi đứng trước hàng nghìn cấu kiện của một căn nhà truyền thống. Những nguyên tắc như “thượng thu, hạ thách” khiến những tính toán về cấu kiện khi tách rời và khi dựng lên là hoàn toàn khác nhau. Chàng Sơn đất mộc nhưng cũng ít người dựng được nhà gỗ. Đam mê, nhưng Giang hoàn toàn không có điều kiện thử tay nghề.
Thời điểm Giang ra trường cũng là lúc nghề làm nhà kiểu cổ chạm đáy của hình sin. Nhưng dường như nghề đã chọn người. Tình cờ, một người bạn gõ cửa nhà Giang nhờ dựng nhà cổ! Nguyên do là người bạn được một đại gia nhờ phục dựng ngôi nhà cổ. Người bạn này đã thử nhưng thất bại. Cơ hội đến với Nguyễn Giang. Anh thợ mộc - kiến trúc sư này đã biết nắm bắt cơ hội có một không hai này. Suốt nhiều tháng ròng, Giang đo đạc các cấu kiện, đánh giá mức độ hư hại và tìm cách thay thế. Ngày dựng nhà, Giang khấp khởi mừng thầm. Những chiếc cột dựng lên, xà, rui, mè đưa lên, dáng vóc công trình hình thành. Nhưng ông chủ... lắc đầu. Không nản lòng, Giang tháo ra làm lại từ đầu. Giang cũng thấy thất vọng vì giữa những bản vẽ và thực tế khác nhau nhiều quá. Chàng Sơn là nơi có nhiều thợ lành nghề dựng nhà. Song những người thợ lành nghề dần về với tiên tổ. Có người lại giấu bí quyết. Vừa làm, vừa mày mò. Mỗi khi thất bại, Giang lại tự hỏi: “Mình đã cố gắng hết sức chưa?”. Đến ngày chìa khóa căn nhà được giao cho ông chủ, Giang nhận ra mình đã làm... không công. Cũng đúng lúc ấy, Giang nhận ra cái “giá” cho công trình ấy đắt mà hóa rẻ. Giang đã tìm ra con đường của mình.
“Cái hay nhất của nếp nhà Việt là sự hài hòa với thiên nhiên - trước trồng cau, sau trồng chuối, sự hài hòa thể hiện ở tính “mở” của các công trình trong giao lưu với tự nhiên. Nhà gỗ truyền thống của người Việt còn thể hiện sự tinh tế, đó là những nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ, mà lại được để mộc nên gần gụi. Mong muốn của mình là đưa được ngôn ngữ kiến trúc đó vào đời sống đương đại”, kiến trúc sư Nguyễn Giang tâm sự.
Cuộc sống ngày xưa khác ngày nay, nhu cầu cũng khác. Để những đường nét nghệ thuật của cha ông đi vào đời sống, Nguyễn Giang đã tìm những cách xử lý sáng tạo khác nhau. Xưa, công trình vệ sinh thường xa nhà, nay, cần khép kín. Ở những ngôi nhà ba gian hai chái, Giang thường xử lý khu vệ sinh kín đáo ở một chái nhà, ngay sau phòng ngủ, với những vật liệu, màu sắc phù hợp. Nhu cầu của cuộc sống hiện đại vẫn được đáp ứng, mà nhìn vào vẫn nguyên vẹn không gian nhà cổ. Nguyễn Giang cũng xử lý nhà gỗ cửa bức bàn sao cho vẫn dùng được điều hòa nhiệt độ. Bản thân những chiếc điều hòa hiện đại được ẩn sau những hoa văn trang trí phương Đông... Kiến trúc truyền thống không phải là những “di sản” chết, nó phải tồn tại trong sự vận động và phát triển. Với quan niệm ấy, Nguyễn Giang còn muốn mang ngôn ngữ của kiến trúc truyền thống vào các công trình hiện đại. Chẳng hạn như ở thành phố, gian thờ thường bị đẩy lên sát tum, trong khi truyền thống của người Việt là để gian thờ gần với không gian sinh hoạt, để tổ tiên gần con cháu. Giang cũng đã có biện pháp để những ngôi nhà ống chật hẹp có thể tiếp nối truyền thống này.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Giang, sau khi tìm đến các kiểu kiến trúc khác nhau, con người thường tìm về nguồn cội của mình. Đó là cơ hội của kiến trúc truyền thống, cơ hội cho những kiến trúc sư tâm huyết với nếp nhà Việt. Nhưng để sự quay lại ấy không trở thành muộn màng, mỗi người, nhất là giới kiến trúc, phải hiểu rõ cái hay, cái đẹp của kiến trúc Việt. Từ đó, sẽ tạo ra một trường phái kiến trúc phù hợp cuộc sống đương đại trên nền truyền thống.