Làng Thanh Cương có tên Nôm là làng Sượt, trước năm 1945 thuộc tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), nay thuộc phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương.
Đền Sượt còn được biết đến với tên gọi "Thanh Cương linh từ" hay "Quang liệt miếu" thờ Đức Đại vương Vũ Hựu, một danh tướng thời Lê sơ, quê tại làng Thanh Cương. Ông được tôn là Thượng đẳng phúc thần, Minh quốc linh ứng, Hiển Hựu Đại vương và Thành Hoàng làng. Đền Sượt được xây dựng từ sau khi Vũ Hựu qua đời (năm 1521) vẫn còn mang nhiều dấu ấn kiến trúc xưa.
Ông Hoàng Văn Tứ, cán bộ Ban quản lý đền Sượt cho biết: Theo thần tích ghi lại, vào thời Vua Lê Chiêu Tông, giặc xâm lược bờ cõi phía nam nước ta. Lúc này Đức Đại vương Vũ Hựu đã nghỉ hưu nhưng vẫn được Vua mời về triều cầm quân đi đánh giặc.
Vâng lệnh Vua, ông chiêu tập trai tráng trong vùng, tập trung thành đội ngũ, chuẩn bị lên đường thì có con hổ lớn về quấy phá làng Thanh Cương. Ông tổ chức cho quân sĩ vây bắt, đánh hổ để cứu dân làng. Ông chọn năm người tâm phúc, tin cậy, có tinh thần dũng cảm nhất, biên chế thành đội tiền quân. Mỗi quân lính dùng một gậy tre dài hơn 2 m. Sau đó ông bày trận, vây bắt và giết chết hổ lớn. Con hổ được tướng sĩ xả thịt làm lễ tế trời đất. Sau đó, đoàn quân về triều yết kiến Nhà vua, nhận chỉ dụ đi đánh giặc.
Từ sự tích nêu trên, tại Lễ hội đền Sượt có tục đuổi Bệt vào ngày 20/3 (âm lịch) tái hiện việc đánh hổ của Đức Đại vương Vũ Hựu và quân sĩ khi xưa. Trước ngày vào hội, trai tráng tham gia mỗi người sắm một cây gậy đánh Bệt dài hơn 2 m. Gậy dành cho năm người trực tiếp tham gia đánh hổ dài khoảng 1,5 m, gậy dành cho các nữ đồng trinh múa biểu diễn trước hàng quân dài khoảng 50 cm.
Từ ngày 19/3 (âm lịch), dân làng làm nhà mai cua, nguyên liệu bằng cây lá, tái hiện lại lán trại của Đức Thánh khi ngài cầm quân đi đánh giặc. Trong tục đánh Bệt, nhà mai cua theo tương truyền là nơi ở của Đức Đại vương Vũ Hựu và năm người lính trước khi đi đánh hổ. Gậy đuổi Bệt đã được tập trung sẵn tại sân đình.
Sáng ngày 20/3 (âm lịch), những người trong đoàn quân đuổi Bệt đầu chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ, tập trung ở đống Mả Thế, phía nam làng (còn gọi là đống Đồng Đầng). Trước khi đuổi Bệt là lễ xin âm dương, do ông Mạnh Tế thực hiện (nghi lễ xin âm dương giống như ngày lễ trọng 10/3). Lễ xin âm dương xong, ông Ký tịch nổi ba hồi chiêng trống. Quân từ đống Mả Thế chạy về đình, sau đó chạy tiếp hai vòng quanh đình rồi vào sân đình. Tất cả đều lễ hai lễ rồi cướp gậy. Cướp gậy xong dàn thành hai hàng và tiến ra nhà mai cua nơi có sáu người đang trú ngụ; sau đó tất cả đều dàn hàng chạy ra sân đền.
Lúc này, người đóng hổ mặc áo da hổ trú tại hậu cung của đền. Ba hồi chiêng trống nổi lên, ông Ký tịch từ trong đền bước ra đi trong hàng quân đọc tiểu sử sự nghiệp Đức Thánh (không đọc thành lời mà đọc trong tâm), đi sau có hai nữ đồng trinh múa gậy bông. Đây là giờ phút linh thiêng nhất của ngày hội để nhớ lại công lao của Đức Thánh khi xưa đã cống hiến cho dân, cho nước.
Ông Ký tịch đọc Thánh tích xong, sáu người ra múa gậy rồi vào hậu cung lừa hổ ra sân đền. Trò được thể hiện sau ba hồi vờn hổ. Khi hổ lao ra, các trai tráng cầm gậy chạy theo đến đống Mả Thế thì bắt được. Lúc này những người đến dự lễ hội đổ xô vào lấy lốt hổ và tranh nhau xé lấy một chút lốt hổ về làm khước.
Ngoài tục đánh Bệt, Lễ hội truyền thống đền Sượt còn có nhiều hoạt động đặc sắc, đậm nét văn hóa làng quê và được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.