Đồng chí Nguyễn Mạnh Khuyến, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết: Xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” quan trọng thúc đẩy cải cách hành chính, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa 20 đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau khoảng hai năm tập trung thực hiện, đến nay tỉnh đã có bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực này với một số chỉ số thuộc tốp đầu cả nước.
Năm 2022, Nam Định xếp thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về kết quả xếp hạng chuyển đổi số. Từ tháng 11/2022 đến nay, tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc về quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Nam Định, các chỉ số thành phần về xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử xếp thứ bảy cả nước, đứng thứ hai trong nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong xây dựng chính quyền số, Nam Định có 100% số thủ tục hành chính được duy trì cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều phương tiện, gồm cả thiết bị di động. 100% số hồ sơ công việc của cấp tỉnh, cấp huyện và 80% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm) được kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Ước tính, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, văn bản điện tử có chữ ký số, đã giúp Nam Định giảm được trung bình hơn 40% thời gian, nguyên liệu văn phòng phẩm; tiết kiệm chi phí xã hội đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trong xây dựng kinh tế số, Nam Định đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đã chiếm khoảng 12% GRDP. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện phổ biến trên các nền tảng thanh toán số của các ngân hàng, đáng chú ý là việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán nghĩa vụ thuế về đất đai và kinh doanh bán lẻ, chợ online 4.0…
Về trụ cột xã hội số, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có hơn 90% số hộ gia đình được phủ mạng internet cáp quang tốc độ cao; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh ước đạt hơn 85%; 75% số dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định) đã phát huy hiệu quả cao trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của công chức một cửa. Theo đồng chí Nguyễn Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm, 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được niêm yết công khai trên hệ thống thông tin giải quyết, trong đó có 70% số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần mức độ 3, mức độ 4.
Tính đến tháng 8/2023, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch công trực tuyến của tỉnh là hơn 183.600 hồ sơ; đã xử lý 175.080 hồ sơ, tỷ lệ đúng và trước hạn đạt 99,84%. Kết quả đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho thấy, Nam Định luôn đứng trong tốp 5 toàn quốc và là một trong các tỉnh, thành phố có ít hồ sơ quá hạn nhất.
Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt kết quả trong nhóm khá của cả nước. Đồng thời, có 50% số hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
Để thực hiện mục tiêu này, Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân, triển khai hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ việc xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, giúp người dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích từ chuyển đổi số. Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác thu hút đầu tư, tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025.