Xu thế tất yếu tạo đột phá phát triển ở Hà Nam

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Hà Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ mới của Bưu điện tỉnh Hà Nam.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ mới của Bưu điện tỉnh Hà Nam.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của thành phố Phủ Lý được thực hiện đồng bộ từ các cấp chính quyền đến người dân, tạo sự kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Đến nay, toàn thành phố có 11.547 tài khoản Phuly-S được cài đặt, với hàng nghìn phản ánh được gửi đến Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tiếp nhận, lọc và xử lý các phản ánh đạt 97,5%. Nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,... Đánh giá về kết quả thực hiện chuyển đổi số, ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý cho biết: Cơ bản các phản ánh đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết bảo đảm đúng quy định, bước đầu giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, đa chiều, xử lý, giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở.

Tỉnh Hà Nam xác định chuyển đổi số là động lực cho sự phát triển toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Để tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số được thuận lợi, thống nhất, tỉnh luôn quan tâm chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 76 quyết định quy phạm pháp luật, đề án, chỉ thị, chương trình; kế hoạch; quyết định cá biệt về chuyển đổi số.

Đến nay, Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả thiết thực từ công tác chuyển đổi số, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao; nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Hà Nam đã duy trì hoạt động hiệu quả, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn hệ thống, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, đồng thời tạo ra sự công khai, minh bạch trong các thủ tục hành chính.

Tỉnh đã hoàn tất việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% số công dân đủ điều kiện, với tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt hơn 94%...

Nhiều mô hình của Đề án 06 đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả bước đầu tích cực. Về hạ tầng số, tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng: 100% số thôn và tổ dân phố đã có kết nối internet, với 80% số hộ gia đình sử dụng internet cáp quang và 90% số thuê bao điện thoại thông minh; từ đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ số mà còn giúp kết nối và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Về dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Hà Nam hiện đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66,61%, gấp hơn ba lần so với trung bình cả nước (17%). Hệ thống thủ tục hành chính đã được kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp tăng tốc độ xử lý và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số được tỉnh Hà Nam tiếp tục kiện toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng. Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức ba lớp tập huấn về chuyển đổi số dành cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số (bằng hình thức trực tuyến) cho 679 cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn xã, phường, thị trấn.

Tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả cấp xã, thôn (109 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên).

Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến tận thôn, tổ dân phố; 100% số khu vực dân cư phủ sóng thông tin di động 3G, 4G.

Để tiếp tục phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chuyển đổi số, để tạo ra giá trị mới, tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực số hóa tài liệu giấy, làm giàu kho dữ liệu số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Toàn tỉnh có 43 hệ thống thông tin đã và đang triển khai, trong đó có 7 hệ thống thông tin dùng chung toàn tỉnh; 25 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai; 11 hệ thống thông tin đang triển khai.

Ngoài ra, có khoảng 27 hệ thống thông tin do các bộ, ngành triển khai cho các sở, ngành khai thác, sử dụng. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết.

Hệ thống cung cấp tổng số 1.736 bộ thủ tục hành chính; trong đó: 1.172 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 489 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Hà Nam hiện xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố (xếp loại tốt); trong đó đứng tốp đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: 66,61% (trung bình cả nước đạt 17%).

Về vấn đề này, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng: Chuyển đổi số chỉ khi là toàn dân và toàn diện thì mới phát huy hiệu quả tổng thể. Do đó, vai trò của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số là hết sức quan trọng.

Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó quan tâm cơ chế, chính sách về chế độ đãi ngộ cho nhân lực về chuyển đổi số.

Để triển khai Đề án chuyển đổi số Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định các mũi đột phá, bám sát thực tiễn chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, gắn liền với triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và phê duyệt Đề án chuyển đổi số, đồng thời triển khai hằng năm các chương trình, kế hoạch và dự án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện.