Đối với giáo dục và đào tạo, AI đang tạo ra “cuộc cách mạng” cả về tư duy làm giáo dục, cách thức quản lý, vận hành cũng như phương pháp dạy học qua việc giúp giáo viên quản lý, lập kế hoạch, thiết kế bài giảng, tạo nên những giờ học hiệu quả.
Cô Phan Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) cho biết: “Một trong những ứng dụng hiệu quả mà chúng tôi đang thực hiện là hệ thống học tập cá nhân hóa dựa trên AI. Thay vì áp dụng một phương pháp giảng dạy chung cho tất cả học sinh, hệ thống này có khả năng phân tích dữ liệu cá nhân và tạo ra các kế hoạch học tập tùy chỉnh, phù hợp năng lực, khả năng tiếp nhận cũng như lợi ích cá nhân từng học sinh, từ đó giúp tăng hiệu quả quá trình học tập và giảm thiểu khoảng cách học tập giữa các em.
Hệ thống cũng tích hợp AI vào quá trình đánh giá và phản hồi học tập, tự động phân tích bài làm của học sinh, đánh giá hiệu quả các kỹ năng và kiến thức, cung cấp phản hồi cụ thể và đề xuất các bài tập cải thiện. Ðiều này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian trong đánh giá và tạo phản hồi cá nhân cho từng học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Ngoài ra, hệ thống cung cấp công cụ xây dựng bài kiểm tra và câu hỏi AI có tích hợp với một số hệ thống chấm điểm tự động giúp giảm tải công việc cho giáo viên”.
Ðược coi là một trong những đơn vị tích cực trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ số, AI trong giảng dạy, tại buổi bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về chuyên đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng điện tử”, cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường mầm non xã Nhật Tân (huyện Gia Lộc) đã mời chuyên gia về công nghệ thông tin trong giáo dục hướng dẫn ứng dụng công nghệ AI trong tạo tư liệu ảnh, audio, video, xây dựng kho học liệu điện tử đa dạng phục vụ giảng dạy và các hoạt động giáo dục khác; ứng dụng AI xây dựng ý tưởng thiết kế kết hợp phần mềm Canvas, chuyển văn bản thành giọng nói để thuyết trình sản phẩm học tập, lồng tiếng trong các video, ứng dụng AI để tạo kịch bản, kế hoạch bài dạy, câu hỏi trắc nghiệm, video… (thiết bị dạy học số).
Ngoài ra, các giáo viên được hướng dẫn ứng dụng Chat GPT vào quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục hỗ trợ bài giảng Elearning và làm báo cáo sáng kiến trình bày các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh tốn rất ít thời gian, trong khi trước đây phải mất cả tháng...
Mặc dù ứng dụng AI trong giảng dạy mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai cụ thể tại các trường gặp không ít khó khăn, thách thức. Cô giáo Vương Thị Viễn, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sứ (thành phố Hải Dương) cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà trường đang tìm cách khắc phục là kinh phí đầu tư trang bị công nghệ hiện đại khá lớn, trong khi ngân sách được phân bổ hằng năm có hạn.
Cùng với đó, việc đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực làm chủ công nghệ mới và sử dụng thành thạo là thách thức mà các trường phải vượt qua. AI được xây dựng trên các nền tảng công nghệ khác nhau, muốn ứng dụng AI vào dạy học còn cần kinh phí nhất định để duy trì, phát triển và vận hành.
Ðánh giá về vai trò của AI trong giảng dạy, bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Ðào tạo Hải Dương) cho rằng: Ứng dụng công nghệ AI trong quản lý, điều hành, dạy học là xu thế trong thời đại công nghệ 4.0. Mặc dù AI có nhiều lợi ích trong giáo dục nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể như tạo ra sự phụ thuộc vào công nghệ, hạn chế sự sáng tạo của con người.
Ðặc biệt, khi AI có thể thay giáo viên trả lời các câu hỏi của học sinh thì vai trò của người thầy sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, yêu cầu đặt ra với cán bộ quản lý, nhà giáo là cần nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ, khẳng định vai trò người thầy.
Ở cấp độ toàn ngành, trong thời gian qua Sở Giáo dục và Ðào tạo Hải Dương đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn LittleLives tổ chức tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục mầm non cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của 100% trường mầm non trong tỉnh, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ về công nghệ thông tin, khuyến khích áp dụng công nghệ vào giảng dạy để chia sẻ những cách làm hay. Ngành cũng tích cực đầu tư và tham mưu địa phương dành kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng trường học số, từ đó nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại Hải Dương, nơi hệ thống giáo dục đang không ngừng cải tiến, việc xây dựng sách điện tử tương tác và thiết kế bài giảng trực tuyến không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả và sáng tạo.