Bước tiến mới trong chuyển đổi số ở quận Ngô Quyền

Ðầu tư mạnh mẽ, triển khai đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt là những giải pháp được Ðảng bộ, chính quyền quận Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng) thực hiện trong nỗ lực đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả chương trình, đưa Ngô Quyền trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và quận Ngô Quyền khảo sát hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh quận Ngô Quyền. (Nguồn: Văn phòng UBND quận Ngô Quyền)
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và quận Ngô Quyền khảo sát hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh quận Ngô Quyền. (Nguồn: Văn phòng UBND quận Ngô Quyền)

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quận lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu xây dựng quận Ngô Quyền trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của thành phố Hải Phòng vào năm 2025, trở thành đô thị phát triển hiện đại, thông minh, bền vững vào năm 2030.

Ðể các mục tiêu, định hướng trên sớm trở thành hiện thực, Ðảng bộ, chính quyền quận đã tập trung đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện chương trình chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ban Thường vụ Quận ủy Ngô Quyền đã sớm ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai Chương trình hành động cụ thể về chuyển đổi số gắn với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương.

Các chủ trương, định hướng của Ban Thường vụ Quận ủy được Ủy ban nhân dân quận cụ thể hóa thành các quyết định và kế hoạch nhằm tạo bước chuyển căn bản, toàn diện trong xây dựng và hình thành chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ðặng Văn Khởi chia sẻ, cùng với hoàn thiện thể chế bằng việc kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, các tổ công tác giúp việc và nhóm chuyên gia của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ quận tới 12 phường, cùng các chính sách cụ thể, quận Ngô Quyền đã đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng hiện đại bảo đảm cho chương trình chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, quận Ngô Quyền đã tập trung hoàn thành và đưa Trung tâm điều hành thông minh (IOC) - "bộ não số" của quận vào vận hành chính thức, tạo bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số.

IOC có nền tảng công nghệ mạnh, ứng dụng các công nghệ 4.0 như IOT kết nối vạn vật trong việc kết nối các camera giám sát; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong việc phân tích dữ liệu lớn, giúp dự báo, hỗ trợ ra quyết định. IOC Ngô Quyền cũng kế thừa đầy đủ công nghệ, cơ sở dữ liệu từ các dự án chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng như Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai VIBDLIS, Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch…

Với 4 chức năng quan trọng là: Hỗ trợ ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy, IOC đã trở thành công cụ quan trọng trong quản lý, điều hành của chính quyền. Trong đó, IOC sử dụng công nghệ big data để phân tích và khai thác thông tin, đưa ra những điểm mấu chốt, khó khăn trong quản lý cũng như vận hành để hỗ trợ người quản lý ra các quyết định cần thiết. Ðồng thời, IOC có chức năng cảnh báo, dự đoán rủi ro tiềm ẩn, đưa ra cảnh báo trước để người quản lý kịp thời có phương án ngăn chặn, xử lý trong trường hợp khẩn cấp.

IOC Ngô Quyền có 5 hệ thống chính, cùng với bản đồ số, tạo nên một chỉnh thể dữ liệu số thống nhất, gồm: Bản đồ số; hệ thống camera giám sát; hệ thống báo cáo kinh tế-xã hội; hệ thống xử lý văn bản và theo dõi nhiệm vụ; hệ thống quản lý quy hoạch, đất đai; hệ thống phản ánh hiện trường...

Trong đó, tại hệ thống điều hành tập trung được thực hiện trên nền tảng bản đồ số của quận, người điều hành có thể quản lý nguồn lực của 34 phân lớp với 505 tài nguyên, bao gồm: Nguồn lực cứu thương, phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông và các camera theo đúng tọa độ, vị trí địa lý trên bản đồ; quản lý cảnh báo sự cố trên địa bàn, quản lý sự vụ và điều phối đơn vị chức năng xử lý hiện trường…

Hiện, trung tâm đang kết nối với 86 camera giám sát tại các tuyến phố chính, trụ sở cơ quan chính trị, hành chính quận, tại các địa bàn trọng điểm, khu vực dự án… và trực tiếp quan sát 24/24 giờ, giúp kiểm soát an ninh công cộng, bảo đảm an ninh, an toàn.

Tại hệ thống báo cáo kinh tế-xã hội với hơn 37.000 trường thông tin, thể hiện 280 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của quận, phường trong thời gian từ năm 2018 đến nay, được thu thập, lựa chọn, tích hợp và tùy chỉnh, biểu thị thông qua biểu đồ trực quan, sinh động, dễ hiểu… Cùng với đó, các báo cáo phân tích chuyên sâu, có thể giúp người lãnh đạo đánh giá, so sánh kết quả hiện tại với quá khứ, so sánh theo giai đoạn, rút ra quy luật… để từ đó hoạch định chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Việc đưa vào vận hành, quản lý, khai thác và tiếp tục bổ sung chức năng cho IOC Ngô Quyền bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong 9 tháng của năm 2024 vừa qua, quận đã hoàn thành việc cập nhật hệ thống số liệu kinh tế-xã hội, chương trình công tác các phòng, ban, đơn vị, chính quyền 12 phường trên Trung tâm giám sát, điều hành (IOC); hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên bản đồ số (WEBGIS); triển khai Hệ thống Quản lý cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ từ các cơ quan chuyên môn thuộc quận, chính quyền 12 phường, 33 trường học bảo đảm đồng bộ và kết nối liên thông với Hệ thống Quản lý cán bộ, công chức, viên chức thành phố, đồng bộ vào Hệ thống Quản lý của Bộ Nội vụ…; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, khai thác dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn phục vụ thực hiện nhiệm vụ được giao…

Cùng với bộ phận một cửa hiện đại, các phòng họp số, IOC đã và đang góp phần tích cực trong hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động minh bạch, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Hiện, quận Ngô Quyền đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung dữ liệu, thông tin, báo cáo… nhằm phát huy tối đa IOC trong nỗ lực xây dựng chính quyền số thân thiện, hiệu lực và hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị Ngô Quyền phát triển hiện đại, thông minh, bền vững…