Hưng Yên đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số đang đi vào cuộc sống, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sức phát triển mới ở tỉnh Hưng Yên.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm qua, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số ở tỉnh Hưng Yên bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, 100% số cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã sử dụng hiệu quả hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng, kết nối mạng truyền dữ liệu chuyên dùng cấp II và sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Nền tảng điều hành thông minh IOC tỉnh Hưng Yên hoạt động hiệu quả, được khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành ở nhiều lĩnh vực như: Thu chi ngân sách, xử lý thủ tục hành chính, thông tin báo chí, mạng xã hội và truyền thông, y tế, giáo dục, tình hình dân cư trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Hệ thống Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh Hưng Yên cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 theo lộ trình phù hợp; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Các cơ quan đã thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường mạng; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử được ký bằng chữ ký số theo quy định giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và người dân; đồng bộ thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước…

Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hưng Yên cung cấp 1.789 thủ tục hành chính và 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp toàn trình để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 06, chuyển đổi số của tỉnh.

Chuyển đổi số phát huy hiệu quả đã lan tỏa trong nền kinh tế và trong xã hội. Ngành công thương tỉnh Hưng Yên thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba và sàn thương mại điện tử B2B hàng đầu của Hàn Quốc (EC21); hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng gian hàng, tham gia các hội trợ triển lãm trên môi trường số, giới thiệu tổng quan và đăng tải các thông tin về sản phẩm, dịch vụ thông qua các hình ảnh, video, hình ảnh 3D, xoay 360 độ, được kết nối với các nền tảng số, website xúc tiến thương mại xuyên biên giới; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến, ứng dụng thành công thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp sử dụng internet phục vụ công việc, tìm kiếm thông tin và trao đổi thông tin, khai thác lợi thế của internet để tiếp cận khách hàng và thương mại điện tử để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 70% số doanh nghiệp xây dựng website với các nội dung giới thiệu công ty, cung cấp thông tin sản phẩm; 100% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử và hóa đơn điện tử, tỷ lệ giao dịch hợp đồng điện tử khoảng hơn 10%.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản (hy.check.net.vn) đến nay đang lưu trữ thông tin của hơn 900 sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của tỉnh; duy trì, quản lý Bộ Atlas nông nghiệp điện tử (WebGIS) tỉnh Hưng Yên với các trang chuyên đề thể hiện các chỉ tiêu về hiện trạng và định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ việc tra cứu, chia sẻ thông tin kịp thời, thuận tiện phục vụ công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm chủ lực, thực hiện đúng chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì và quản lý vận hành tốt một số cơ sở dữ liệu như: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về thủy sản tỉnh Hưng Yên…

Các doanh nghiệp tiếp tục cung cấp các sản phẩm chữ ký số điện tử cho người dân, doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch điện tử đối với các lĩnh vực, ngành nghề có hình thức trực tuyến. 100% số trường học trang bị nền tảng học trực tuyến phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% số cơ sở giáo dục thu phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. 100% số bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế…

Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đang phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; doanh nghiệp, người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống; kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Để Nghị quyết số 06-NQ/TU tiếp tục được đẩy mạnh phát triển lan tỏa trong xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết: Tỉnh Hưng Yên tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các Kế hoạch về chuyển đổi số đã được phê duyệt.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp bảo đảm tiêu chí 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động mọi nguồn lực của các cấp, các ngành nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Hưng Yên rà soát, hoàn thiện, tích hợp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính nhằm đạt mục tiêu: Đến hết năm 2025, bảo đảm tỷ lệ hơn 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, hơn 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hưng Yên tiếp tục hoàn thiện, phát triển Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số; chỉ đạo thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh theo Nghị quyết 06-NQ/TU.