Ninh Bình tạo đột phá từ chuyển đổi số

Là một trong những tỉnh thí điểm về chuyển đổi số trong cả nước, Ninh Bình xác định rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm cao để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhờ đó, công tác chuyển đổi số ở Ninh Bình đã vươn lên mạnh mẽ, trong nhiều năm nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước.
Hướng dẫn người dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cài đặt phần mềm để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh Nguyễn Trường)
Hướng dẫn người dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cài đặt phần mềm để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh Nguyễn Trường)

Xác định chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, thời gian qua, Ninh Bình tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, mang lại hiệu quả tốt cho chính quyền và người dân.

Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Bình xác định “Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số” là một trong ba khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngay sau đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình Đoàn Thanh Hải chia sẻ, thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua của Ninh Bình chính là việc tỉnh đã sớm ban hành nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số với mục tiêu hết sức rõ ràng. Do vậy, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp về chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành của tỉnh nêu cao tinh thần và xác định mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp; đưa việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số vào công tác toàn khóa, từng năm, từng quý để triển khai.

Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Kết quả, các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều thuộc tốp cao của cả nước, trong đó Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của Ninh Bình đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021.

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, là một trong những địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn thí điểm mô hình “Xã thông minh” từ năm 2020. Đến nay, xã đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh. Đời sống người dân nơi đây thay đổi tích cực, mức sống được cải thiện và nâng cao. Vừa qua, Yên Hòa đã vinh dự được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm “Làng số - Digital village” để các nước trên thế giới tham khảo.

Ông Mai Quang Kìn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa cho biết: Trước kia, các sản phẩm nông sản của người dân sản xuất ra chỉ bán trong làng, trong xã. Nhờ có chuyển đổi số mà sản phẩm của hợp tác xã được bán rộng khắp huyện, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố đặt hàng qua sàn giao dịch điện tử. Thí dụ như sản phẩm cá chạch sụn kho niêu, lượng tiêu thụ tăng gấp hơn ba lần; thu nhập của người lao động tăng cao, đời sống của các xã viên ngày một nâng lên.

Phát triển thương mại điện tử, kết nối đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa các kênh cung ứng sản phẩm trên thị trường được địa phương thực hiện hiện quả. Hiện nay, Yên Hòa đã được đưa một số mặt hàng, sản phẩm lên trên sàn để giao dịch (cá chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo…) và đang từng bước thiết lập các sản phẩm khác để đưa lên sàn để bán hàng. Nhờ đó, nông sản của người dân đã được bán đi nhiều tỉnh, thành phố, người dân có thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, Hoàng Văn Cảnh cho biết, kinh nghiệm trong chuyển đổi số ở Yên Hòa là xác định rõ mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, vì hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân. Những thành công bước đầu cùng kinh nghiệm trong thí điểm chuyển đổi số là động lực để địa phương tạo đột phá trong cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách, đem lại tiện ích cho người dân.

Có thể nói, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, chuyển đổi số trong nông nghiệp được Ninh Bình xem là cơ hội để khắc phục những bất cập như: Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển cũng như thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Không chỉ vậy, người dân Yên Hòa nói riêng và nhiều xã khác trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici và hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth... Điều này vừa giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân ở xa trung tâm, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình Đoàn Thanh Hải cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Qua đó, thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống.

Kinh nghiệm, cách làm của Yên Hòa là tiền đề quan trọng để những năm tiếp theo, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển đổi số cho tất cả xã, phường, thị trấn. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2035, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.