Tại tỉnh Bắc Ninh, chuyển đổi số trong ngành tòa án đã được triển khai với hàng loạt chương trình, hoạt động như công khai các bản án trên hệ thống website, xét xử trực tuyến, sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo thẩm phán”, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Điểm sáng trong xét xử trực tuyến
Chiều 16/6/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã tổ chức hai phiên tòa hình sự sơ thẩm theo hình thức trực tuyến. Việc xét xử được kết nối trực tuyến với điểm cầu Tòa án nhân dân tối cao và gần 800 điểm cầu trong hệ thống tòa án nhân dân trên toàn quốc. Bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh. Đây là phiên tòa xét xử trực tuyến nằm trong chương trình Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân và tỉnh Bắc Ninh được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về xét xử trực tuyến.
Thành công của phiên tòa trực tuyến làm điểm, kết nối với gần 800 điểm cầu ghi dấu những thành quả, sự nỗ lực không ngừng của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh những năm gần đây trong nỗ lực chuyển đổi số, cùng sự đầu tư, quan tâm của Tòa án nhân dân tối cao và tỉnh Bắc Ninh. Tính từ tháng 5/2022 đến ngày 30/6/2024, tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức xét xử trực tuyến hơn 1.000 vụ án; trong đó, tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã tổ chức xét xử được hơn 460 vụ án. Ngoài việc tổ chức xét xử trực tuyến, đơn vị cũng tổ chức tốt và tích cực tham gia các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm với 27 đơn vị tòa án khác.
Thẩm phán Nguyễn Văn Hòa, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá: Việc xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận công lý, đồng thời bảo đảm cho các hoạt động xét xử được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Từ đó góp phần giảm thiểu chi phí, thời gian của người dân cũng như ngân sách nhà nước.
Phát huy hiệu quả hoạt động “trợ lý ảo” thẩm phán
Cùng với việc tăng cường công tác xét xử trực tuyến, Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã triển khai ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” hỗ trợ thẩm phán trong công tác xét xử. Nhờ hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, cùng hệ thống đường truyền tốt, đã giúp các thẩm phán, công chức tòa án của tỉnh Bắc Ninh truy cập phần mềm “Trợ lý ảo” thuận tiện trong quản lý nghiệp vụ, giải quyết các vụ án. Một trong những ưu điểm của phần mềm “Trợ lý ảo” được các thẩm phán và công chức ngành tòa án tỉnh đánh giá cao và thường xuyên tra cứu, tham khảo khi đây là một công cụ hỗ trợ hữu ích mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án.
Với Thẩm phán Vương Thị Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng (Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh), sau hơn hai năm sử dụng, phần mềm “Trợ lý ảo” đã trở thành thư ký riêng, luôn bên cạnh mọi lúc, mọi nơi, sẵn sàng hỗ trợ và giúp kết nối, giao lưu, học hỏi trực tuyến với các đồng nghiệp trong toàn quốc. Thẩm phán Vương Thị Hà chia sẻ: “Phần mềm “Trợ lý ảo” với rất nhiều tiện ích đã giúp tôi giảm 30% khối lượng công việc. Đơn cử như phần mềm sửa chính tả và mã hóa bản án, trước đây phải dành rất nhiều thời gian đọc soát và thao tác, thì nay đã được tự động hóa, giúp việc đăng tải bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án rất nhanh chóng, thuận lợi”.
Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy mạnh ứng dụng số trong quản lý văn bản, điều hành, tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Qua đó, góp phần giảm tải công tác in ấn, mặt khác, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ. Ngoài ra, việc số hóa hồ sơ, vụ án đã góp phần quan trọng vào việc tích hợp thông tin, dữ liệu vào cổng dịch vụ công quốc gia và giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn.
Thẩm phán trung cấp Đỗ Văn Đại, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thực hiện các quy định của Trung ương và ngành tòa án về đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian tới, tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tái cấu trúc và đổi mới mô hình hoạt động từ truyền thống sang nền tảng số.
Trong đó, chuyển sang sử dụng hoàn toàn sổ điện tử trên phần mềm nội bộ của tòa án; quản lý việc thụ lý, giải quyết các loại vụ việc trên phần mềm quản lý nghiệp vụ của tòa án nhân dân; phấn đấu 100% văn bản được quản lý, xử lý, ký và phát hành trên nền tảng số. Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng triệt để nền tảng xét xử trực tuyến, phần mềm trợ lý ảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, đầu tư hoàn thiện toàn diện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số và bổ sung trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng tòa án điện tử.
Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã và đang tiến gần hơn tới việc xây dựng tòa án điện tử, bắt kịp với xu hướng phát triển của nền tư pháp tiến bộ trên thế giới, nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, nâng cao niềm tin của người dân vào công lý, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.