Việc quản lý phương tiện đã được Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh thông qua quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), camera giám sát hình ảnh. Quy định này giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp vận tải có thể kiểm tra tốc độ phương tiện, thời gian lái xe liên tục của tài xế.
Đến nay, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trên cơ sở khai thác hiệu quả các nền tảng số, Trung tâm Sát hạch lái xe và giám sát giao thông vận tải đường bộ luôn giám sát chặt chẽ, liên tục hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải trên suốt hành trình. Các trường hợp vi phạm của xe chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lái xe không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại trong quá trình điều khiển phương tiện... sẽ được hệ thống tự động trích xuất hình ảnh, lưu dữ liệu làm căn cứ cho các lực lượng chức năng xử lý; đồng thời, thông tin lỗi vi phạm cho chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải.
Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe và giám sát giao thông vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải Nguyễn Văn Tứ cho biết: “Đối với phương tiện hợp đồng, chúng tôi sẽ cung cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông khi có yêu cầu về hành trình chuyến đi, thời điểm đón khách, điểm trả khách, thông tin lái xe, địa chỉ, số điện thoại bên thuê. Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xác định được các xe hợp đồng trá hình, đón trả khách như tuyến cố định, từ đó có xử lý vi phạm”.
Tỉnh Quảng Ninh hiện đang sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhất là tuyến cao tốc dài gần 200 km xuyên suốt chiều dài của tỉnh, vì vậy, tại các nút giao thông trọng điểm trên QL18A, cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cao tốc Hạ Long-Vân Đồn đã được các cơ quan, đơn vị chức năng lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, hoạt động 24 giờ mỗi ngày trong mọi điều kiện thời tiết. Việc lắp đặt camera giao thông với các hình ảnh từ camera giám sát giao thông được sử dụng làm cơ sở để giúp lực lượng cảnh sát giao thông xử lý, phạt nguội đối với những hành vi vi phạm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc và Quốc lộ 18A.
Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc xử lý vi phạm an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát giao thông từ đầu năm 2019 đến nay, Thượng tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đơn vị đã gửi 9.537 thông báo vi phạm, đã có 4.186 trường hợp đến xử lý, phạt tiền 13.907.500.000 đồng, tước 3.119 giấy phép lái xe; tiếp nhận, phối hợp, cung cấp 232 thông tin, hình ảnh cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Công an các địa phương, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Mới đây, trong tháng 7/2024, Công an tỉnh đã ra mắt trang Zalo tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự an toàn giao thông mang tên “Phòng Cảnh sát Giao thông Quảng Ninh”, đồng thời phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh là địa bàn có diện tích rộng, trải dài. Thời gian qua, mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng có liên quan của địa phương đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Do vậy, việc ra mắt trang Zalo Phòng Cảnh sát Giao thông Quảng Ninh sẽ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát hiện, ghi nhận các vi phạm; đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.
Nhằm triển khai thực hiện một cách có hiệu quả hình thức nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân khi bị lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, đồng thời hướng dẫn người dân đăng ký nộp phạt qua Cổng dịch vụ công để thuận tiện cho việc thực hiện xử lý vi phạm trên Cổng dịch vụ công sau này.
Trong thời hạn xem xét ra quyết định xử phạt, nếu đủ điều kiện, người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định xử phạt, đồng thời đưa thông tin quyết định xử phạt lên Cổng dịch vụ công; sau đó, các thông tin này sẽ được chuyển đến người vi phạm qua số điện thoại đã được đăng ký trước đó. Qua đó, giúp nhân dân giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; đồng thời, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Hiện nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã triển khai tạm giữ giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan cũng được thực hiện trên môi trường điện tử VNeID theo Thông tư 28/2024/TT-BCA. Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông khi người vi phạm xuất trình các giấy tờ đã được tích hợp trong VNeID sẽ được cập nhật trạng thái tạm giữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng VNeID. Điều này giúp người vi phạm và chủ phương tiện nắm bắt kịp thời thông tin, tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trung tá Trần Thúy Hằng, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành nhập tất cả dữ liệu lên hệ thống của Cục Cảnh sát giao thông. Sau khi có quyết định xử phạt của cấp trên, chúng tôi chuyển thẳng sang Cổng dịch vụ công quốc gia để công dân ở bất cứ đâu cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính hoàn tất mọi thủ tục xử phạt”.