Thay thế học bạ giấy truyền thống bằng học bạ số để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là xu hướng tất yếu. Sau hơn 7 tháng triển khai thí điểm học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần quản lý học bạ của học sinh một cách khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Trường tiểu học Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, là đơn vị tiêu biểu ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học và quản lý. Ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Bình về triển khai thí điểm học bạ số, nhà trường đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện như: Nhanh chóng tìm hiểu các thông tin liên quan đến học bạ số; tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn do ngành, nhà trường phối hợp với các đơn vị cung ứng; thành lập tổ công tác hỗ trợ thực hiện học bạ số; xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số, phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm từng cá nhân…
Cô giáo Ðinh Thị Hải Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Hòa cho biết, năm học 2023-2024, toàn trường có 748 học sinh ở 21 lớp học. Qua triển khai thực hiện học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 cho hơn 600 học sinh, bước đầu giúp nhà trường thuận tiện hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên, giúp giảm áp lực gánh nặng về ghi chép, quản lý hồ sơ.
Giáo viên tiến hành nhập kết quả học tập của học sinh trên phần mềm Quản lý nhà trường và đồng bộ dữ liệu trên học bạ số sau khi nhà trường gửi dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, tiếp đến là chốt dữ liệu học bạ và ký số đối với kết quả học tập của học sinh… Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống cho nên bảo đảm thống nhất, khoa học, chính xác.
Học bạ điện tử giúp giảm khối lượng công việc cho giáo viên, bảo đảm tính chính xác, minh bạch và thuận tiện trong việc theo dõi quá trình học tập của học sinh. Ðiều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các bậc cha mẹ khi cần tra cứu thông tin, thúc đẩy sự kết nối giữa nhà trường và gia đình.
Cô giáo Hà Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Thắng, huyện Yên Mô chia sẻ, một lớp ở cấp tiểu học có khoảng 30-40 học sinh, đồng nghĩa với việc giáo viên chủ nhiệm phải nhập điểm, ký tay học bạ của tất cả các em. Ðáng nói, ngoài làm học bạ, giáo viên chủ nhiệm còn phải hoàn thiện một số hồ sơ, sổ sách khác cho nên khá vất vả và tốn thời gian. Với học bạ số, giáo viên chủ nhiệm không cần tìm học bạ của từng học sinh để nhập điểm, mà chỉ cần truy cập vào hệ thống dữ liệu là có thể nhập điểm, ký tên thông qua một vài thao tác.
Ðối với lãnh đạo nhà trường, học bạ số và chữ ký số giúp việc xác nhận, ký duyệt học bạ trở nên tiện lợi hơn, quản lý thông tin của học sinh tốt hơn, tính bảo mật cao hơn. Ngoài ra, học bạ số cũng giúp tiết kiệm chi phí, giảm tác hại đến môi trường.
Tương tự, Trường tiểu học Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, là một trong những trường có đông học sinh với hơn 1.500 học sinh ở 39 lớp học. Trước mỗi năm học, nhà trường phải lưu trữ khá nhiều học bạ giấy, công việc liên quan đến hồ sơ, sổ sách đối với các thầy, cô giáo cũng tương đối lớn. Tuy nhiên từ khi thực hiện thí điểm học bạ số đã có nhiều sự thay đổi.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình Phạm Thị Thủy cho biết, học bạ điện tử bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy truyền thống. Ðiều này tạo thuận lợi cho giáo viên và nhà trường tiết kiệm thời gian, giảm công việc hành chính, không còn phải chỉnh sửa, in ấn và ký học bạ thủ công; nhất là tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Ðến nay, Ninh Bình đã triển khai thí điểm học bạ điện tử tới toàn bộ 153 trường tiểu học với 2 hệ thống quản lý dữ liệu VNEDU và SMAS từ lớp 1 đến lớp 4 ở 2.211 lớp. Trong quá trình thực hiện, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về lợi ích, ý nghĩa của học bạ số.
Ðồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như: Máy vi tính kết nối mạng internet; phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ.
Bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trong năm học 2023-2024 đã có 75.985 (đạt 99,32%) học bạ được tạo lập đúng quy định và chuyển về kho dữ liệu của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh giúp cung cấp thông tin minh bạch về quá trình học tập của học sinh; giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, dễ tra cứu phục vụ công tác quản lý.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Bình Ðinh Văn Khâm cho biết, khi triển khai học bạ số, tại Ninh Bình, điều kiện về công nghệ của các cơ sở giáo dục đều đáp ứng, các thầy, cô giáo đã thông thạo việc ứng dụng công nghệ thông tin cho nên hết sức thuận lợi. Với những kết quả tích cực bước đầu, Ninh Bình được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước sớm hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số.
Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai hiệu quả Học bạ số vào quản lý giáo dục, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập. Hệ thống này còn giúp hỗ trợ việc báo cáo, thống kê dữ liệu nhanh chóng và chính xác, từ đó tạo nền tảng cho các quyết định giáo dục được đưa ra kịp thời và phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác dạy và học tại Ninh Bình trong thời gian qua.