Hiệu quả từ chuyển đổi số vùng nông thôn, miền núi

Chương trình chuyển đổi số ở Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở các cấp, các ngành mà đang ngày càng lan tỏa rộng rãi tới từng bản, làng, thôn, xóm, từ miền núi cao đến hải đảo xa xôi, từng bước giúp người dân làm chủ công nghệ, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị. Chương trình đã khẳng định tính ưu việt và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Cán bộ xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Nhằm đáp ứng công tác chuyển đổi số, huyện miền núi Tiên Yên đã nâng cấp hạ tầng internet, phối hợp nhà mạng triển khai tại tất cả 11 xã, thị trấn; 100% số người dân được sử dụng sóng mạng thông tin di động. Nhờ đó, người dân ở xa khu vực trung tâm dễ dàng tiếp cận sử dụng internet, các ứng dụng số để liên lạc, học tập, phát triển sản xuất và giải trí.

Chị Chìu Múi ở xã Đông Ngũ chia sẻ: “Được tổ công nghệ số tại cộng đồng hướng sử dụng các tiện ích công nghệ, tôi thấy rất hiệu quả. Nhiều công việc trước đây phải đến tận nơi thì giờ ở nhà cũng có thể làm được, giảm được thời gian đi lại cho người dân; nhất là các thông tin được cập nhật nhanh chóng, người dân nắm bắt kịp thời lịch họp thôn thông qua nhóm Zalo; học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”.

Thông qua các mạng xã hội đã tạo điều kiện cho người dân vùng cao phát triển du lịch cộng đồng ngày càng thuận lợi hơn, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm đang thu hút nhiều du khách đến với các huyện vùng cao. Anh Trần Văn Mạ, quản lý ở Khu du lịch sinh thái thác Khe San, xã Phong Dụ cho biết: “Từ khi lập fanpage để quảng bá, phát triển du lịch sinh thái, lượng khách đến khu du lịch của tôi ngày càng nhiều. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần quảng bá về hình ảnh, con người, những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến gần hơn với du khách”.

Anh Lý Văn Bằng, chủ cửa hàng kinh doanh Bằng Hoa ở xã Hải Lạng chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu ba kích, sâm cau, nấm lim, mật ong rừng, cho biết: “Thời gian đầu, việc tiêu thụ sản phẩm còn chậm. Để tiếp tục tăng lượng khách hàng, tôi thường xuyên livestream qua mạng xã hội, đồng thời đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Ocop quangninh.vn, nhờ vậy lượng tiêu thụ rất cao. Tôi thấy các tiện ích số không chỉ giúp tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, mà còn giúp quảng bá sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước”.

Hiện, tất cả các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Tiên Yên đều được truy xuất nguồn gốc trên hệ thống (https://qn.check.net.vn) và được giới thiệu, quảng bá, thương mại điện tử thông qua ứng dụng trực tuyến/sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, 10 sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử là: Khau nhục Tiên Yên; trứng vịt biển Đồng Rui; trứng vịt biển Hải Lạng; tôm thẻ chân trắng Đồng Rui; tôm Hải Tiến Hải Lạng; cua rừng ngập mặn Hải Lạng; gà Tiên Yên...

Chuyển đổi số ở nông thôn còn được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã, doanh nghiệp đều ứng dụng khoa học-công nghệ, vận dụng tối ưu các khâu sản xuất nhờ đẩy mạnh chuyển đối số. Điển hình như ở khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao tại xã Tân Lập, huyện Ðầm Hà, công nghệ số đã giúp quản lý quá trình sinh trưởng con tôm, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Hệ thống máy tính theo dõi tổng hợp, ghi nhận số liệu từ các khu sản xuất tảo, hệ thống lọc nước, cho tôm ăn tự động, phòng xét nghiệm... đều đạt chuẩn quốc tế. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa, phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng... Nổi bật là mô hình “Thôn thông minh Tân Thanh” ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà được thành lập đã hơn 2 năm và mô hình này đã tạo động lực mạnh mẽ trong chuyển đổi từ nông thôn truyền thống sang nông thôn mới, hiện đại và được người dân bắt nhịp một cách nhanh chóng, các thông tin chỉ đạo của xã, của thôn cũng được chuyển tải nhanh hơn.

Bà Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thanh, cho biết: Người dân được hướng dẫn cài đặt tài khoản công dân số để thực hiện giao dịch hành chính với chính quyền mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước. Nhiều người cũng sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch thay vì dùng tiền mặt như trước kia, giúp tiết kiệm thời gian.

Phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên là đơn vị hành chính cấp xã, phường đầu tiên trên toàn tỉnh Quảng Ninh lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với năm khu phố trên địa bàn. Nhờ có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến này, quy mô mỗi cuộc họp được mở rộng, bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2, phường Yên Giang Trương Thanh Đông cho biết: “Hệ thống truyền hình trực tuyến của phường có hình ảnh nét và âm thanh tốt. Khi có chương trình quán triệt hay triển khai kế hoạch của địa phương, khu phố có thể mời nhiều người dân trong khu đến nghe. Người dân được lĩnh hội các nội dung trực tiếp từ lãnh đạo phường một cách đầy đủ nên rất phấn khởi”.

Chuyển đổi số tại khu vực nông thôn, miền núi không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, mà còn giúp ích đắc lực cho chính quyền trong công tác quản lý, theo dõi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khi camera an ninh được triển khai rộng khắp tại nhiều địa bàn dân cư. Hệ thống camera đều được kết nối vào hệ thống máy chủ do lực lượng công an xã quản lý, máy điện thoại cá nhân của các đồng chí lãnh đạo xã. Nhiều thông tin, hình ảnh về những vụ việc vi phạm, tình trạng mất an toàn giao thông, hoặc dấu hiệu, nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn đều được camera ghi nhận, cập nhật, thông báo kịp thời đến lực lượng chức năng.

Để hỗ trợ người dân nông thôn trên hành trình chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan tỏa công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đồng thời đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Quảng Ninh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp đã tích cực triển khai giải pháp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng xu thế, phát triển bền vững. Có thể thấy rõ hiệu quả từ các mô hình thôn, xã thông minh đang triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền.