Động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh

Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quảng Ninh luôn đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số với phương châm mang lại những tiện ích từ chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân và doanh nghiệp được hướng dẫn làm các thủ tục trên nền tảng số tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Người dân và doanh nghiệp được hướng dẫn làm các thủ tục trên nền tảng số tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, đến nay người dân và các doanh nghiệp của Quảng Ninh đã tận dụng hiệu quả thế mạnh của công nghệ, khai thác nền tảng số để gia tăng giá trị kinh doanh, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Hiện tất cả doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử và 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Chuyển đổi số toàn diện

Tại Quảng Ninh, để hỗ trợ người dân trên hành trình chuyển đổi số, hiện có 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, nhất là phương thức hoạt động “cầm tay chỉ việc”, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan tỏa công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Từ tháng 10/2024, các tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức chiến dịch ra quân phổ cập kỹ năng số cho người dân. Trong đó, tập trung vào việc hướng dẫn người dân sử dụng VNeID để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: “https://dichvucong.quangninh.gov.vn/” và Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: “https://dichvucong.gov.vn/”; phổ biến và hướng dẫn người dân mua bán trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam và sàn thương mại OCOP tỉnh Quảng Ninh “https://ocopquangninh.com.vn”; đồng thời hướng dẫn kiến thức và các kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng.

Việc nỗ lực phổ cập hạ tầng số trên toàn tỉnh cũng góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính ở những địa phương biên giới, miền núi. Tại huyện miền núi Bình Liêu, nhờ việc phổ cập sóng di động 4G và điện thoại thông minh, người dân đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Vi Ngọc Nhất, Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu, cho biết: “Người dân khi đến Trung tâm Hành chính công huyện, hay bộ phận một cửa cấp xã đều biết sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là đã dùng điện thoại để tra cứu thủ tục và đăng nhập vào tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia qua ứng dụng VNeID, sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin thay cho giấy tờ như căn cước hay thông tin gia đình.

Đến nay, huyện Tiên Yên đã triển khai đến tất cả cán bộ công chức, viên chức việc thực hiện sử dụng nền tảng số, các công cụ số để xử lý công việc; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tăng cường việc triển khai chuyển đổi SIM và máy điện thoại 2G lên sim 4G và Smartphone; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng “công dân điện tử” tại các khu dân cư; số hóa hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn niêm yết công khai thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên Phạm Văn Hoài cho biết: “Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số toàn diện, huyện đang tích cực đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm hướng tới chuyển đổi số toàn diện”.

Động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội

Sau gần ba năm triển khai Đề án 06, Quảng Ninh đã đạt gần 50% yêu cầu trên cả ba trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đã đạt hơn 98,5%. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn không dùng tiền mặt; giúp người dân, doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính; góp phần nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trung Tiến chia sẻ: “Đề án 06 đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Nổi bật là việc truy cập, cung cấp dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp hỗ trợ nhà nước quản lý, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính với quy trình rút gọn, thông qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hằng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, tất cả cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất một giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.

Đến hết tháng 9/2024, Quảng Ninh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp; trong đó, có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, hơn 595.000 tài khoản mở bằng hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân... Bình quân toàn tỉnh có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên và có hơn 800.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 60% số doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải;100% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.

Việc ứng dụng công nghệ số vào nhiều khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, từng bước giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức, hạ giá thành sản phẩm và tạo sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm trở thành địa phương điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội.