Lạng Sơn chung tay xóa bỏ hủ tục trong hôn nhân

NDO - Nhiều năm qua, xã Ái Quốc là "điểm nóng" của huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của xã và huyện đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đưa sách, báo đến phục vụ bà con dân tộc Dao ở các xã trong huyện giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật.
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đưa sách, báo đến phục vụ bà con dân tộc Dao ở các xã trong huyện giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ái Quốc Đặng Văn Quang cho biết: Xã có 9 thôn với 2.119 nhân khẩu, trong đó có hơn 96% là người dân tộc Dao. Là xã đặc biệt khó khăn, đói nghèo và lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Một số hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2021 trở về trước, trên địa bàn xã có 15 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống và khoảng 10 cặp tảo hôn…

Để chấm dứt tình trạng này, những năm gần đây, Ủy ban nhân dân xã Ái Quốc đã chỉ đạo các tổ chức, bộ phận liên quan trong xã và các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhờ đó trong hai năm trở lại đây, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã không còn, mặc dù vẫn còn tình trạng tảo hôn, song đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Vừa qua, gia đình ông Dương Kim Ngân, thôn Lài Han, xã Ái Quốc dự định tổ chức đám cưới cho con gái 16 tuổi vào đầu tháng 10, cỗ bàn cùng với dịch vụ cưới hỏi đã được đặt, thiệp mời cũng đã được phát… Tuy nhiên, sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động và giải thích về mặt trái của việc tảo hôn, gia đình ông Ngân đã quyết định dừng việc tổ chức đám cưới.

Trường hợp của gia đình ông Dương Đình Ngân là một trong hai trường hợp có dấu hiệu của nạn tảo hôn được chính quyền xã Ái Quốc phát hiện và can thiệp kịp thời trong năm nay.

Từ năm 2021, Ủy ban nhân dân xã Ái Quốc thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời chỉ đạo thành lập Ban vận động ở các thôn. Đến nay, toàn bộ 9 thôn của xã đã thành lập Ban vận động và hoạt động có hiệu quả.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, ông Triệu Tiến Lương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: Ban vận động chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của thôn Đoàn Kết có 8 thành viên gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn và chi hội trưởng các chi hội đoàn thể, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân hiểu rõ hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, thôn tổ chức lấy ý kiến của người dân góp ý vào hương ước và quy định liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở thôn. Nhờ đó, các hộ dân trên địa bàn đều chấp hành nghiêm các quy định đề ra.

Anh Đặng Văn Quang ở thôn Đoàn Kết chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người con, trong đó có 2 con đang ở tuổi vị thành niên. Trước đây, theo phong tục của người Dao là thường dựng vợ gả chồng từ 14 đến 15 tuổi, nhưng hiện nay được thôn, xã tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy việc kết hôn sớm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và sức khỏe của con trẻ. Do đó, vợ chồng tôi nhắc nhở, giáo dục con cái phấn đấu học tập và chỉ kết hôn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Từ việc đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội; từ đó có sự thay đổi trong hành vi đã góp phần tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Năm 2022, xã Ái Quốc có 9/9 thôn đạt danh hiệu văn hóa, 372/481 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm hơn 77%, tăng 2% so với năm 2021...

Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội-Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết: Nhằm thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện lựa chọn xã Ái Quốc để xây dựng mô hình điểm thực hiện đề án. Hằng năm, chúng tôi đã tổ chức 1 đến 2 cuộc tuyên truyền, tập huấn cho đại diện lãnh đạo xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn, bản, chi hội trưởng các đoàn thể. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác thực hiện đề án trên địa bàn. Qua đó, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với những kết quả đạt được, chúng tôi tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình ra một số địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong thời gian tới.