Một trong những người góp phần tích cực trong thành tích trên là chị Y Gar, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 12 (làng Kon Slak). Là cán bộ Ban công tác Mặt trận thôn, được tham dự nhiều lớp tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức, được sự chia sẻ của các cán bộ chuyên môn về y tế, giáo dục và pháp luật, chị Y Gar đã sớm nhận thức được những tác hại của việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự tiến bộ xã hội và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Với nhận thức đó, trong những năm qua, được sự chỉ đạo của cấp trên và chi bộ thôn, chị Y Gar đã chủ động phối hợp với Ban Tự quản và các đoàn thể của thôn thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh để tránh kết hôn sớm. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, người uy tín, trưởng dòng họ trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình, tích cực tuyên truyền phổ biến về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới.
Ðể làm thay đổi nhận thức của đồng bào, chị Y Gar đã có nhiều sáng kiến trong tuyên truyền như: Tổ chức các cuộc họp thôn để phổ biến, tuyên truyền; cụ thể hóa các nội dung thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Chi đoàn, Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân thôn tổ chức các buổi gặp gỡ đoàn viên, hội viên để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, chị Y Gar đã giao cho các đoàn viên, hội viên năng động tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tại các hoạt động tập thể, đổi công lao động giữa các nhóm hộ, các hộ gia đình, tranh thủ thời gian tuyên truyền đến từng hộ gia đình...
Nhờ đó, trong thời gian gần đây, việc chấp hành pháp luật hôn nhân và gia đình trên địa bàn xã đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đã tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong cùng thực hiện tốt chính sách, pháp luật; đồng thời chủ động tiếp thu nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, giáo dục con em mình.
Trình độ dân trí và ý thức của người dân được cải thiện, nhận thức về hôn nhân cận huyết thống, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được nâng cao. Những thông điệp về “tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã đi vào cuộc sống của người dân, họ đã nắm được, biết được các nội dung, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, các hình thức xử phạt khi vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Bí thư Ðảng ủy xã Ðăk Ruồng Hoàng Ðình Hải cho biết: Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, trong những năm qua, chị Y Gar luôn gương mẫu, tích cực trong việc xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, chị còn đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp người dân nâng cao nhận thức và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trong xã chí thú làm ăn, ngày càng phát triển kinh tế gia đình.