Giảm nạn tảo hôn ở vùng miền núi Sơn Hà

Nhiều năm trước, vấn nạn tảo hôn dai dẳng khiến cái nghèo ở nhiều thôn bản miền núi huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi kéo dài không dứt. Quyết tâm xóa bỏ nếp sống lạc hậu này, chính quyền cơ sở cùng các đảng viên, già làng, người có uy tín đã đi đầu làm gương cho bà con miền núi làm theo.
0:00 / 0:00
0:00
Người uy tín, già làng miền núi Quảng Ngãi vận động, trao đổi với người dân về phòng chống nạn tảo hôn.
Người uy tín, già làng miền núi Quảng Ngãi vận động, trao đổi với người dân về phòng chống nạn tảo hôn.

Bằng sự nỗ lực cùng nhiều biện pháp hiệu quả, nạn tảo hôn ở huyện miền núi Sơn Hà đã và đang giảm dần.

Già làng, đảng viên không dự cưới tảo hôn

Thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà có 300 hộ với 1.200 nhân khẩu. Sống lâu ở núi rừng, ông Đinh Văn Na, người có uy tín cùng nhiều già làng, đảng viên ở đây thấu hiểu cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn dai dẳng.

Tình trạng không có việc làm, đói nghèo, trẻ con thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng … kéo dài nhiều năm trước dường như khó có lối thoát. Không muốn người trong thôn mãi nghèo, ông Na cùng bà con quyết tâm xóa bỏ chuyện tảo hôn.

Dù là người thân, bà con trong thôn, ông Na cũng nhất quyết không dự đám hỏi, lễ cưới nếu biết đó là cưới tảo hôn. Không chỉ kiên quyết từ chối dự, ông còn vận động người thân, anh em không đồng tình, ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong xã. Giữ nguyên tắc của mình, sau vài năm các già làng, người có uy tín cũng theo ông.

Ông Na còn nhớ, trước năm 2020 ở thôn Làng Ranh có nhiều trường hợp tảo hôn, gia đình tổ chức cưới hỏi khi con cái đồng ý dù ở tuổi vị thành niên. Dựa vào già làng, đảng viên trong thôn là cách tốt nhất để thay đổi tập tục này. Tính cộng đồng vì nhau, ngại ngùng với làng xóm nên dù biết sai bà con vẫn dự cưới đông đủ, rình rang theo tục lệ.

Cả thôn có 46 đảng viên, ông cùng các đảng viên, già làng thôn, xóm nói chuyện với người dân, cha mẹ có con trong độ tuổi 15-16 tuổi. Nắm chắc địa bàn, khi phát hiện có trường hợp chuẩn bị cưới hỏi chưa đúng tuổi hôn nhân, ông cùng thôn xóm động viên gia đình dừng tổ chức.

Để làm gương cho bà con, ông cùng các đảng viên, già làng của thôn, xã không dự cưới của những gia đình tổ chức cưới vi phạm tảo hôn.

“Trước kia vì nể nhau người làng, đảng viên vẫn đi dự đám cưới dù biết đó là tảo hôn. Hai năm nay thì không đi nữa, vì biết sai mà tham dự là không gương mẫu, không chấp hành. Đảng viên, già làng, người có uy tín phải gương mẫu đi đầu”, ông Đinh Văn Na khẳng định.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba Đặng Văn Minh cho biết, toàn xã có gần 5.000 hộ dân, trong đó gần 40% hộ nghèo. Nhiều tập tục cũ, lạc hậu như tảo hôn khiến cái nghèo không dứt.

Nhiều năm trước tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều nhưng những năm gần đây vấn nạn này giảm mạnh. Xã đã vận động, động viên từng nhà, xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn, đặc biệt cán bộ xã đi đầu, làm gương chấp hành quy định về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe...

Hơn hai năm qua, các đảng viên, già làng xã Sơn Ba nói “không” với đám cưới tảo hôn; đồng thời, vận động người thân, bà con làng bản kiên quyết dừng tổ chức cưới hỏi tảo hôn từ thôn, xóm nhỏ.

“Xử lý cương quyết nên bà con cũng sợ hơn. Cán bộ, đảng viên không dự đám cưới tảo hôn nên nhiều gia đình cũng thấy mà hạn chế, khuyên nhủ con em cố gắng chờ cưới hỏi khi đủ tuổi. Biện pháp này hiệu quả nên hai năm qua tình trạng tảo hôn giảm mạnh. Năm ngoái chỉ có 2 trường hợp tổ chức cưới bị xử lý. Từ đầu năm đến giờ chưa phát hiện trường hợp nào”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba Đặng Văn Minh khẳng định.

Những điểm sáng cần lan tỏa

Ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, người dân thiếu kiến thức về sức khỏe vị thành niên nên nhiều gia đình cho con em cưới nhau theo phong tục khi chưa đến tuổi kết hôn (14 đến dưới 18 tuổi).

Bên cạnh đó, sự can thiệp, xử lý của địa phương cơ sở đối với các trường hợp tảo hôn chưa quyết liệt; một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết tâm giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Xác định nguyên nhân cốt lõi và giải pháp trọng tâm, đi vào chiều sâu huyện Sơn Hà đã tập trung thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều xã vùng xa đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cho con em.

Các cấp ủy, chính quyền cơ sở bám sát địa bàn để vận động, giải thích cho các em về việc chung sống trước tuổi kết hôn, giảm thiểu rủi ro cho trẻ em gái; ngành giáo dục trang bị kỹ năng sức khỏe sinh sản cho học sinh; tổ chức lồng ghép kiến thức về hôn nhân gia đình trong hoạt động ngoại khóa.

“Thầy cô dạy, xem các trang báo mạng nên em cũng biết bây giờ không như trước. Phải học, có việc làm và lớn rồi mới cưới nhau sẽ tốt hơn. Cũng có bạn lỡ yêu nhưng không phổ biến nhiều như xưa”, em Đinh Thị Sang ở xã Sơn Hạ tâm tư.

Tại các trường học của huyện Sơn Hà, hoạt động ngoại khóa, hội thi có nhiều hình thức sinh động, cuốn hút, lồng ghép kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử văn hóa cho học sinh miền núi, tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn, xóa bỏ một số phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu…

Những biện pháp đồng bộ, hiệu quả từ cơ sở tác động từng bước thay đổi hành vi, nhận thức trong hôn nhân và gia đình, ngăn ngừa nạn tảo hôn.

Trong năm 2021, toàn huyện Sơn Hà có 51 trường hợp tảo hôn và có dấu hiệu tảo hôn; có 94 trường hợp bé gái chưa đủ 18 tuổi sinh con, đăng ký khai sinh.

Đến năm 2022, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp tảo hôn. Nhiều trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng địa phương đã kịp thời vận động gia đình dừng tổ chức cưới hỏi. Tuy nhiên, cũng còn hơn 30 trường hợp sinh con ở độ tuổi vị thành niên.

“Thay đổi nhận thức cho người dân rất khó, cần thời gian dài. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh vận động người dân thay đổi nhận thức về phòng chống tảo hôn. Ngành giáo dục tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để trang bị kỹ năng chăm sóc sức khỏe, luật hôn nhân gia đình cho các em”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hà, Trần Thanh Trung khẳng định.