Làm giàu từ nuôi ngựa bạch

Những năm gần đây, tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai, nguồn thức ăn dồi dào, nhiều nông dân ở tỉnh Lạng Sơn đã mở rộng phát triển chăn nuôi ngựa, nhất là nuôi ngựa bạch. Mô hình nuôi ngựa bạch đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đàn ngựa của gia đình ông Nông Quang Đảm ở thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng được chăn thả trên khu thảo nguyên Khau Sao.
Đàn ngựa của gia đình ông Nông Quang Đảm ở thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng được chăn thả trên khu thảo nguyên Khau Sao.

Xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng), có diện tích đồi núi, đồng cỏ rộng lớn, với diện tích hơn 8.000 ha, trong đó khu thảo nguyên Khau Sao rộng hơn 140 ha... có độ cao từ 760-1.000m so với mực nước biển, có đồng cỏ xanh mướt vào mùa xuân hè, rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc như: Ngựa, trâu, bò...

Ông Nông Quang Đảm ở thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên cho biết: "Những năm gần đây, nhận thấy nuôi ngựa bạch đem lại giá trị kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi đàn ngựa sinh sản để cung cấp giống cho bà con chăn nuôi. Từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi luôn duy trì nuôi 16 con ngựa sinh sản, mỗi năm đàn ngựa sinh thêm được từ 12 đến 14 con. Sau 5 tháng chăn nuôi, đàn ngựa con được xuất chuồng, mỗi con bán được hơn 35 triệu đồng, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập từ nguồn bán ngựa con được gần 500 triệu đồng... Thấy nuôi ngựa rất hợp điều kiện tự nhiên ở xã cho nên tôi đã vận động bà con trong thôn bản cùng tham gia chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu".

Giám đốc Hợp tác xã ngựa bạch Hữu Kiên Nông Văn Chung chia sẻ: Hợp tác xã được thành lập từ năm 2000, với 10 hộ gia đình cùng chung sức, đầu tư chăn nuôi với 180 con ngựa bạch và một khu chuồng trại với diện tích hơn 600 m2. Trung bình hằng năm, hợp tác xã xuất bán từ 35 con ngựa bạch, tổng thu khoảng hơn 1,2 tỷ đồng... Để bảo đảm nguồn thức ăn cho ngựa, các thành viên trong hợp tác xã trồng thêm cỏ voi, trồng các loại hoa màu phục vụ chăn nuôi.

Hiện nay, xã Hữu Kiên có hơn 2.800 con ngựa, trong đó có hơn 1.500 con ngựa bạch. Giống ngựa bạch có thuộc tính hiền, rất dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao gấp đôi so với ngựa thường. Thông thường, người dân thả ngựa bạch trên đồi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau vì thời gian đó chưa cấy lúa. Sáng mở chuồng lùa ngựa đi, tối muộn mới tìm về. Ngựa bạch thuần chủng ở đây có thân hình nhỏ, trọng lượng từ 70-100 kg.

Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao hoặc bán con giống. Giá một con ngựa bình thường dao động từ 20-25 triệu đồng, thì ngựa bạch trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50-70 triệu đồng. Nuôi ngựa bạch là một trong những hướng thoát nghèo, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững. Ở xã Hữu Kiên, đến nay có những gia đình nuôi từ 5-7 con ngựa bạch, cùng với trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê… tính giá trị tài sản cũng lên tới cả tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn Nguyễn Nam Hùng cho biết: Những năm gần đây, người dân ở các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Tràng Định... quan tâm chăn nuôi ngựa bạch. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển đàn ngựa cho nên tổng đàn ngựa đang tăng dần cả về số lượng nuôi và sản lượng xuất bán, đem lại nguồn thu đáng kể cho hộ chăn nuôi. Nhiều hộ đang dần thay thế chăn nuôi trâu, bò bằng chăn nuôi ngựa... Hiện nay, tổng đàn ngựa của tỉnh có hơn 5.200 con, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Đàn ngựa được nuôi chủ yếu ở huyện Chi Lăng, với 2.780 con, trong đó ngựa bạch chiếm gần 50% tổng đàn ngựa của toàn tỉnh. Hiện nay, ngựa bạch chủ yếu được nuôi lấy thịt và xương để nấu cao xuất bán.

Mặc dù chăn nuôi ngựa bạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng trên thực tế, chăn nuôi ngựa bạch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quy hoạch, quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu chăn nuôi ngựa theo hình thức hộ gia đình cho nên có hạn chế như: Chăn thả tự do quảng canh, nguồn thức ăn không ổn định, giá trị dinh dưỡng thấp... Các hộ gia đình chăn nuôi ngựa chưa được đầu tư về khoa học kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, quản lý giống, chuồng trại chưa bảo đảm; chưa chủ động kế hoạch trồng, chế biến và dự trữ thức ăn cho ngựa vào mùa khô. Trong khi việc phòng và điều trị bệnh cho ngựa theo kinh nghiệm là chính, kỹ thuật và điều trị bệnh cho ngựa rất hạn chế, do thả rông nên việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn ngựa... Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa.