Làm giàu từ cây quế

Ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái), hầu như ai cũng biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Bách, một tấm gương nông dân sản xuất giỏi. Không chỉ lo kinh tế cho gia đình, năm 2020 anh Bách cùng vợ đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nông lâm nghiệp xanh 27/7, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bách trong rừng quế.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bách trong rừng quế.

Anh Nguyễn Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Ðại An, xã An Thịnh chia sẻ: Do vị trí thôn ở cửa ngõ xã An Thịnh, cho nên nhiều năm liên tục diện tích đất bị quy hoạch làm đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, rồi quy hoạch đất ở đô thị phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện thôn có hơn 270 ha quế với 160 hộ nông dân tham gia sản xuất.

Cây quế đem lại nguồn thu cao; lá và cành nhỏ được tinh cất thành tinh dầu, vỏ tùy theo loại được sản xuất thành quế điếu thuốc, quế sáo, quế kẹp số ba, quế khâu, quế chẻ... thân gỗ loại nhỏ làm cây chống trong xây dựng, loại thân lớn được chế biến đồ mỹ nghệ... Nắm bắt được thị trường, đến nay trong thôn có 10 tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến quế, riêng Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nông lâm nghiệp xanh 27/7 hoạt động hiệu quả hơn cả.

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng quế rộng hơn 3 ha, nhiều cây có độ tuổi hơn 25 năm, thân cây có chu vi cả một vòng ôm, anh Bách tâm sự: Vợ chồng tôi từng ban ngày trồng lúa, ban đêm thắp đèn đi trồng rau màu ngoài bãi sông. Sau những ngày đánh gốc, bốc trà, đội mưa đi trồng quế, chúng tôi đã tăng dần diện tích trên đất dốc.

Có được số tiền lớn do bán cả đồi quế, số vốn ban đầu giúp anh Bách đầu tư vào thu mua quế vỏ, làm quế giống, tạo dựng cơ ngơi giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Ðến nay, gia đình có hai xưởng chuyên thu mua, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế rộng khoảng 5.000 m2, với mức đầu tư hơn ba tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động có thu nhập từ tám đến 10 triệu đồng/tháng theo mùa vụ.

Hợp tác xã do anh Bách làm giám đốc hiện có bảy thành viên, vốn điều lệ ban đầu một tỷ đồng, ngành nghề sản xuất kinh doanh gồm: Gieo ươm quế giống, sơ chế vỏ quế, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; cung ứng chế phẩm sinh học, vận tải hàng hóa, san gạt mặt bằng. Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, hợp tác xã đã bảo đảm được nguồn cung cấp sản phẩm cây, con giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ khâu gieo ươm, chăm sóc đến khâu thành phẩm cuối cùng, tạo mô hình liên kết giữa bốn nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), xóa bỏ nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng, số lượng lớn, giá cả hợp lý và có chiến lược thị trường. Ðầu năm 2024, hợp tác xã đã ủng hộ 300.000 cây quế giống cho người dân xã Nà Hẩu, trị giá 150 triệu đồng, nhằm giúp đồng bào H’Mông nơi này phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dan xã An Thịnh Triệu Quốc Toản đánh giá, anh Bách là hội viên nông dân xã, luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động nhân dân trong thôn thực hiện các phong trào thi đua các cấp như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; “Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống”; “Dịch rào, hiến đất” mở rộng nâng cấp đường giao thông nông thôn... Ngoài ra, anh Bách còn giúp đỡ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực có thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Với sự nhiệt tình, năng động trong công tác, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhiều năm qua, anh Bách và gia đình được chính quyền địa phương đánh giá là gương điển hình tiên tiến mẫu mực, được lựa chọn là gia đình tiêu biểu, gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 của địa phương.