Hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị

Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết về quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức đã thu hút sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn, các ý kiến thống nhất quan điểm phát triển nông nghiệp của Thủ đô cần có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG)
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG)

Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 được tổ chức vào tháng 7/2023. Nghị quyết sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị.

Theo dự thảo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 11 nhóm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn được đề xuất tập trung vào các nội dung hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

Các chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thủ đô dự kiến khoảng hơn 1.101 tỷ đồng/năm; trong đó ngân sách thành phố là hơn 294 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 47 tỷ đồng/năm; còn lại là nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân hơn 759 tỷ đồng. Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế, có năng suất, giá trị gia tăng cao như sản xuất rau, hoa, quả, chè, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn, nuôi trồng thủy sản; hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đánh giá: Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết và cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu tích cực, tuy nhiên vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người lao động. Điều này đòi hỏi thành phố cần sớm nắm bắt, đón đầu để kịp thời nghiên cứu, bổ sung, ban hành Nghị quyết mới nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tế sản xuất nông nghiệp Hà Nội, để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Do đó, dự thảo tờ trình cần bổ sung làm rõ thêm thực trạng sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay trên những nét chính liên quan đến 11 nhóm chính sách.

Đề xuất Hà Nội nên đi trước một bước để phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, TS Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, bên cạnh các nhóm chính sách mới, Hà Nội cần nghiên cứu những đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch mới. Ở góc độ khác, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo đưa ra 11 chính sách nhưng còn tản mạn, tách rời nhau, khó đầu tư một cách có hiệu quả và khó thành vùng tập trung chuyên canh cũng như thành trung tâm sản xuất giống công nghệ cao của thành phố. Do đó, nên tích hợp các chính sách riêng lẻ, tản mạn thành chính sách chung cho vùng với các chính sách, thành phần đồng bộ để có thể phát triển hiệu quả hơn, tập trung hơn.

Còn TS Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nêu quan điểm, trong thực tiễn, vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội còn hạn chế cả cây trồng lẫn vật nuôi. Lý do chính là vướng mắc về chính sách thu hồi, giao đất, cho thuê đất lâu năm. Hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp du lịch sinh thái, nông nghiệp đa giá trị. Đây là hướng phát triển rất hiệu quả của nông nghiệp, do đó, trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung “chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái”.

Hà Nội đang phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện các chính sách, cử tri và nhân dân Thủ đô mong muốn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ có bước phát triển hiệu quả trong thời gian tới.