Sau khi nắm bắt thông tin mực nước trong những ngày tới rất cao, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy tất bật chạy mua hơn 4 triệu đồng tiền mủ và thuê nhân công che chắn chung quanh vườn để bảo vệ 0,8 ha sầu riêng đang xử lý ra hoa nghịch vụ. Bà Hoa cho biết, khu vực này đê bao chung quanh vườn khá thấp; trong khi cơ quan chức năng thông báo mực nước rất cao, nếu nước nổi đổ về kết hợp triều cường, mưa lớn sẽ trực tiếp uy hiếp các vườn cây ăn trái của nông dân. Vườn sầu riêng của bà đã đầu tư hàng tỷ đồng và đây là vụ trái đầu tiên sau hơn 5 năm, vì vậy gia đình bà bằng mọi giá phải bảo vệ. Ngoài che chắn chung quanh vườn khá cao, 2 máy bơm tát công suất lớn cũng được đặt túc trực trong vườn sẵn sàng bơm hút. Bên cạnh đó, những người trong nhà còn thay phiên nhau kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện các sự cố nước tràn vào vườn và tập trung xử lý một cách nhanh nhất.
Vườn sầu riêng 0,5 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Tính ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng đang bị nguồn nước bên ngoài đe dọa. Do chuyển đổi từ đất lúa sang đất vườn, đê bao chung quanh được đầu tư khá thấp, vì vậy, gia đình ông cũng dùng mủ che chắn để bảo vệ vườn qua mùa nước nổi và các đợt triều cường lớn sắp tới. Chỉnh sửa lại các bao mủ còn thấp, ông Tính cho biết: “Khu vực này vườn cây ăn trái chuyển đổi không theo quy hoạch, ai có điều kiện thì chuyển đổi. Do đó, chủ vườn cây ăn trái và chủ đất lúa thường xung đột mỗi khi mùa nước nổi về. Người trồng lúa muốn xả nước vào đồng ruộng nhiều để đón phù sa, diệt sâu bệnh. Còn chủ vườn cây ăn trái sợ nước tràn vào vườn gây thiệt hại cho cây trồng. Riêng gia đình tôi, vườn mình đơn lẻ, chung quanh là ruộng lúa cho nên phải tự bảo vệ khi mực nước lên cao. Không trách ai được”.
Những ngày qua, sau khi nhận được thông tin cảnh báo triều cường từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra các đê bao thấp, nguy cơ nước tràn vào nhà dân và vườn cây ăn trái để chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân xử lý kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha cho biết: Toàn huyện còn mấy trăm đoạn có đê bao thấp, việc gia cố, nâng cấp các đoạn này đang được khẩn trương thực hiện. Nguồn kinh phí được lấy từ huyện, xã và nhân dân. Huyện cũng yêu cầu chính quyền địa phương và người dân quan tâm, kiểm tra hệ thống bơm thoát nước; chủ động phòng tránh mực nước dâng cao, không được chủ quan, lơ là. Ngoài ra, địa phương phải vận động người dân gia cố bờ bao, những đoạn đường thấp nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Về lâu dài, huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cần tính toán lại biến đổi khí hậu, dự báo mực nước nổi ở thượng nguồn đổ về, xác định độ cao mực nước để tỉnh, huyện và nhân dân đầu tư đồng bộ một lần; không để năm nào cũng gia cố, sửa chữa, nâng cấp, tốn rất nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Nước nổi kết hợp triều cường, mưa lớn trên diện rộng những ngày qua cũng uy hiếp những diện tích khóm trên địa bàn huyện Tân Phước. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, toàn huyện có hơn 130 ô bao, chiều dài gần 720 km, được bố trí gần 168 trạm bơm điện với khoảng 300 máy bơm, bảo vệ diện tích gần 18.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 16.000 ha khóm. Phần lớn diện tích đất trồng lúa, khóm, khoai mỡ đều được đê bao khép kín. Tuy vậy, nếu mưa lớn kéo dài, huyện chỉ đạo các xã chủ động bơm tháo nước chống úng, bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang có thông tin dự báo về tình hình triều cường khu vực tỉnh Tiền Giang. Theo đó, mực nước triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Tiền lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng 9 kết hợp với mực nước thượng nguồn đổ về mạnh, mực nước sẽ lên nhanh. Mực nước triều cao nhất ở các trạm vùng hạ lưu sông Tiền trong đợt triều này xuất hiện vào các ngày 18, 19, 20/10 (tức là ngày 16, 17, 18 tháng 9 âm lịch), hầu hết đều trên mức báo động 3. Đây là đợt triều cường cao nhất trong năm, vừa kết hợp triều biển Đông, mực nước thượng nguồn đổ về và trùng vào đợt mưa lớn sẽ gây ngập các vùng trũng thấp, ven sông. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường đạt cấp độ 1.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã ven sông Tiền khẩn trương kiểm tra và triển khai thực hiện sửa chữa, gia cố, nâng cấp những đoạn đê bao, bờ bao thấp, các cống đập để bảo đảm ngăn đợt triều cường sắp tới; chủ động chuẩn bị máy bơm nước và các phương tiện phục vụ tát nước…
Cây ăn trái là loại cây trồng lâu năm, nông dân phải đầu tư khá nhiều chi phí và công sức mới có được những vườn cây giúp mang lại hoa lợi cho người trồng. Nếu để xảy ra các sự cố vườn cây bị chết do ngập úng thì thiệt hại là rất lớn. Do đó, các địa phương và người dân cần có sự chủ động để ứng phó.