Xanh thêm những cánh rừng Tây Bắc
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc (phụ trách) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết, là các tỉnh có diện tích rừng lớn, lại ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc rừng, đời sống còn nhiều khó khăn, do vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại 7 tỉnh Tây Bắc những năm trước thường rất nhiều khó khăn.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện, thì nguồn tài chính này đã góp phần quan trọng thu hút người dân chăm sóc, bảo vệ rừng.
Điều đáng nói, nguồn tài chính của Quỹ dịch vụ môi trường là do các đơn vị sử dụng tài nguyên nộp theo mức sử dụng, cho nên tương đối ổn định và ngày càng tăng theo tỷ lệ diện tích rừng được bảo vệ. Từ đó, góp phần quan trọng để người dân gắn bó với rừng, thêm nguồn lực hồi sinh các cánh rừng thêm xanh.
Nhờ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, hàng trăm nghìn chủ rừng ngày càng gắn bó với việc bảo vệ rừng. |
Hiện tại, 7 tỉnh Tây Bắc, gồm: Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang quản lý 360 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây hầu hết là hợp đồng do các nhà máy thủy điện, công ty nước có sử dụng tài nguyên.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của 7 tỉnh đạt 1.570 tỷ đồng (chiếm 41% tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng trong toàn quốc).
Từ nguồn thu này, căn cứ diện tích thực tế đủ điều kiện chi trả tại các địa phương, trong năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh đã chi trả đúng, đủ, kịp thời 1.143 tỷ đồng đến 124.702 chủ rừng.
Nhờ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng người dân các tỉnh Tây Bắc đã chuyên tâm bảo vệ tốt hơn 2,3 triệu ha rừng; người bảo vệ rừng ở vùng sâu vùng xa có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc (phụ trách) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên
Trưởng bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) Lù Văn Hán cho biết: Những năm 2000, rừng của bản Lả Chà đã từng bị xâm hại. Nhiều cây gỗ to bị người dân trong bản và từ nơi khác đến chặt mang về xẻ gỗ dựng nhà.
Từ khi được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con dân bản Lả Chà có thêm động lực bảo vệ rừng. Hiện cả bản có 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu, nhận quản lý, bảo vệ hơn 1.700ha rừng. Trung bình mỗi năm bản được nhận gần 2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, nếu tính chi ly thì mỗi gia đình trong bản được 25 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Đó là số tiền có ý nghĩa lớn với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà. Có nguồn tiền này các gia đình có thêm điều kiện mua cây, con giống về sản xuất và mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình.
Cũng như bản Lả Chà, nhiều năm gần đây cuộc sống của người dân bản Trung Chải xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đã đổi thay rất nhiều nhờ có nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng; công tác quản lý, bảo vệ rừng của Trung Chải được thực hiện tốt hơn, diện tích rừng của bản ngày càng tăng.
Trưởng bản Trung Chải Sùng A Chía chia sẻ: 100% người dân bản Trung Chải sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Do đó, rừng đối với bà con là vô cùng quan trọng. Bản có 54 gia đình thì 52 gia đình đã ký cam kết khoanh nuôi, bảo vệ rừng của bản, trung bình mỗi hộ được nhận từ 1-2 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn tiền này giúp người dân Trung Chải có thêm vốn đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Người dân các xã vùng cao huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) phát quang cây bụi, chống cháy rừng. |
Tại hội nghị sơ kết công tác thi đua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cụm 7 tỉnh Tây Bắc vừa được tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), các đồng chí lãnh đạo Quỹ của 7 tỉnh đã khẳng định: Việc tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước đi vào cuộc sống người dân, tạo lập nguồn tài chính mới ngoài ngân sách mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả đã kịp thời bổ sung nguồn lực cho các chủ rừng có kinh phí bảo vệ rừng; đồng thời giúp các chủ rừng, nhất là chủ rừng ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực quan trọng cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, yên tâm gắn bó với rừng.
Tập trung tuyên truyền tầm quan trọng công tác bảo vệ rừng
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để công tác bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh xác định thống nhất cùng tập trung thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp.
Cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sâu, rộng để nâng cao nhận thức của người dân, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại từng địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, thống kê lập danh sách các đối tượng thu theo quy định.
Kịp thời ký kết hợp đồng ủy thác, triển khai thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng phát sinh bảo đảm thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ theo quy định; áp dụng đồng bộ các giải pháp đôn đốc, xử lý vi phạm đối với các trường hợp chây ỳ, nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để rà soát, xác định diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bảo đảm chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích rừng theo quy định...
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Điện Biên hướng dẫn nhân dân các huyện vùng cao sử dụng thiết bị hỗ trợ công tác tuần tra, bảo vệ rừng. |
Để có thêm nguồn lực chi trả cho các chủ rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng tại các địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc thống nhất đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung về dịch vụ môi trường rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018, để hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể về đối tượng, hình thức chi trả đối với các loại hình dịch vụ, như: du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng.
Đại diện các đơn vị xác định diện tích rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Điện Biên. |
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam của 7 tỉnh Tây Bắc thống nhất kiến nghị quan tâm xây dựng, bổ sung quy định về cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh.