Hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu

Những năm trở lại đây, nguồn thu đáng kể từ dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ đồng bào trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, những cánh rừng đầu nguồn phát triển ngày càng xanh tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng.
Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng.

Về xã biên giới Mù Cả, huyện Mường Tè, nơi người dân được hưởng thụ tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất của tỉnh Lai Châu, chúng tôi thật sự ấn tượng trước màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cổ thụ. Những khu đất trống, đồi trọc, những đám nương lô nhô của nhiều năm trước đây giờ cũng phủ kín màu xanh của cây rừng.

Bà Pờ Lò Xó – một người dân ở bản Mù Cả tâm sự: "Nhà tôi trước đây nghèo lắm, nghèo mãi không thoát được. Những năm gần đây, được hưởng tiền từ dịch vụ môi trường rừng hơn 40 triệu đồng/năm, gia đình chắt chiu tiết kiệm lấy vốn phát triển chăn nuôi, trồng thêm rừng. Nhờ đó hiện tại gia đình đã có 30 thùng ong. Ngoài ra cũng mua được trâu sinh sản, qua chăm sóc đàn trâu giờ đã phát triển được bốn con. Mấy năm nay trồng thêm được hơn 1ha quế, bắt đầu cho thu tỉa, cành lá. Tính sơ sơ, năm nay gia đình cũng thu được hơn 100 triệu đồng, hôm rồi bình xét gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo".

Hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu ảnh 1

Từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình bà Pờ Lò Xó đầu tư vào chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo.

Người dân nhận được tiền từ dịch vụ môi trường rừng về sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế. Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hằng năm đều giảm hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt gần 30 triệu đồng.

Ông Pờ Khừ Xá - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mù Cả

Ông Pờ Khừ Xá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mù Cả, cho biết, xã Mù Cả có hơn 30.000ha diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền người dân được nhận hơn 30 tỷ đồng mỗi năm. Trung bình mỗi năm mỗi hộ cũng được nhận hơn 40 triệu đồng. Người dân nhận được tiền từ dịch vụ môi trường rừng về sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế. Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hằng năm đều giảm hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều năm nay trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng hay phá rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng trong mấy năm trở lại đây tăng gần 5%, đạt tỷ lệ che phủ gần 80%.

Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268.000ha, trong đó diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng lên đến gần 180.000ha. Đây cũng là huyện dẫn đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng.

Đến thời điểm này, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Mường Tè đạt hơn 65%. Chỉ tính riêng năm 2022, người dân trên địa bàn huyện nhận được từ tiền dịch vụ môi trường rừng gần 200 tỷ đồng. Chia bình quân cho các hộ thuộc diện được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, mỗi hộ được gần 20 triệu/năm.

Việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực đến cuộc sống người dân. Người dân trong huyện tích cực tham gia bảo vệ rừng. Các bản còn giao cho nhau trông coi, cử người trực để khi có sự cố cháy, kể cả nhỏ là báo động, tất cả người dân tham gia chữa cháy. Nhờ đó những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy gần như không còn.

Hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu ảnh 3

Người dân xã Tà Tổng được lĩnh tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022. Tà Tổng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn, tổng tiền chi trả của cả xã cũng gần 30 tỷ đồng.

Ông Lý Xá Hừ, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết, Ban Quản lý rừng được giao quản lý khoảng gần 80 nghìn ha rừng. Chúng tôi đã chủ động ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các bản trong huyện theo từng năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả trực tiếp cho từng hộ thông qua tài khoản ngân hàng, nhiều hộ có mức thu đến gần 60 triệu đồng/năm. Do đó bà con rất có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng mới. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện cũng đã trồng thêm được hơn 400ha sản xuất và rừng phòng hộ.

Những năm trở lại đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ phá rừng, cháy rừng, diện tích cháy và số vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng giảm mạnh. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép; tình trạng di cư tự do giảm; diện tích rừng đã được nâng lên.

Độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu từ 41,6% năm 2011 lên 51,87% năm 2022, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học nâng lên; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu ảnh 4

Độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu tăng hơn 10% trong 10 năm từ 2011 đến 2022, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học...


Đến ngày 4/5/2023, Lai Châu đã chi trả xong tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 cho 123/125 bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2022 là 509, 8 tỷ đồng. Hiện Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Lai Châu đang triển khai tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ và Ủy ban nhân dân cấp xã để chi trả tạm ứng cho người dân bảo vệ rừng trên cơ sở nhu cầu của người dân với mức tạm ứng là 50% kế hoạch thu, chi được duyệt. Năm 2023 do hạn hán kéo dài ảnh hưởng sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện, do đó dự kiến tổng chi tiền dịch vụ môi trường rừng của năm chỉ đạt 428 tỷ đồng, giảm hơn 80 tỷ đồng so với 2022.

Không chỉ tác động tích cực tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần cải thiện sinh kế cho hơn 84 nghìn hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, với đơn giá chi trả bình quân năm 2022 là 1,1 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 5,57 triệu đồng/hộ/năm. Từ nguồn thu nhập ổn định này, các hộ gia đình sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất, mua cây, con giống, cho con cái ăn học...