Hiệu quả công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng tại Điện Biên

Với 592 nghìn ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 62% diện tích tự nhiên); trong đó diện tích có rừng hơn 419 nghìn ha, Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Điện Biên luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống. Người dân từ việc hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng đã yên tâm gắn bó với rừng...
0:00 / 0:00
0:00
Các chủ rừng tại huyện Điện Biên trao đổi kinh nghiệm quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Các chủ rừng tại huyện Điện Biên trao đổi kinh nghiệm quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Đến cuối năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44,01%. Đây là nỗ lực rất lớn của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Bởi thực tế là sau thời gian dài bị sụt giảm diện tích rừng thì khoảng 10 năm trở lại đây, rừng Điện Biên dần được phục hồi, bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, với diện tích rừng hiện có của Điện Biên trải đều các huyện vùng cao biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với thói quen sản xuất, tập quán tín ngưỡng phụ thuộc rừng, cho nên một bộ phận người dân do gánh nặng mưu sinh... chưa quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó là tập quán canh tác sản xuất trên nương xen lẫn với rừng, làm nhà bằng gỗ, sử dụng củi làm chất đốt đã tăng áp lực đến việc quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý, bảo vệ rừng trong toàn tỉnh; đồng thời là thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ rừng, người dân và cấp ủy, chính quyền để bảo vệ rừng hiệu quả.

Chủ công trong công tác tham mưu, tuyên truyền là Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng kiểm lâm ở các địa bàn đã tổ chức 574 buổi tuyên truyền trực tiếp đến 31.654 người các quy định quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, bản 1.479 lượt với tổng 1.778 giờ phát. Qua đó, có 25.067 người đại diện cộng đồng các thôn, bản, các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng theo đúng quy định pháp luật.

Riêng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, việc tuyên truyền bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đồng thời theo hình thức trực tiếp (tập huấn đến chủ rừng) và tuyên truyền bằng các bài viết, tin, ảnh, phóng sự truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quỹ còn tổ chức cấp phát hướng dẫn chủ rừng ghi chép, theo dõi trên sổ tay chi trả, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng; cấp bình giữ nhiệt, thùng phân loại rác cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Mường Ảng, Trường tiểu học xã Xuân Lao, Ủy ban nhân dân xã Xuân Lao và các đơn vị.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã cấp phát 351 sổ tay chi trả, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng, bình giữ nhiệt, thùng phân loại rác đến các chủ rừng và các đơn vị, trường học.

Về tập huấn, Quỹ tổ chức thành ba đợt (18 lớp), cử cán bộ của Quỹ trực tiếp đứng lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (ngày 16/11/2018) về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; ghi chép sổ tay chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng, cung ứng tiền dịch vụ môi trường rừng cho đại diện chủ rừng trên địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông với 549 học viên tham gia.

Từ việc thực hiện đồng thời các biện pháp tuyên truyền của các cơ quan, giúp người dân, chủ rừng nắm vững kiến thức quản lý, bảo vệ rừng và thủ tục liên quan chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp chủ rừng vận dụng vào thực tế quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả.

Nhờ đó, dù những tháng đầu năm 2024, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít song tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn Điện Biên giảm 2,44% (6 vụ) so với cùng kỳ năm 2023. Người dân tích cực khoanh nuôi, trồng cây phân tán, bảo vệ rừng. Cụ thể, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 11.110 ha (đạt 105,7% kế hoạch giao); chăm sóc rừng trồng 734 ha (đạt 100% kế hoạch giao).

Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Điện Biên ghi nhận 2.428 vị trí có biến động tăng với tổng diện tích rừng là 6.164,65 ha. Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy diện tích rừng của Điện Biên được bảo vệ ngày càng tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc các chủ rừng tại Điện Biên sẽ được hưởng nhiều hơn lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã thanh toán 4.746.195.066 đồng tiền dịch vụ môi trường rừng các năm trước cho 198 chủ rừng; thanh toán hơn 110 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho chủ rừng.