Mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng hành, hỗ trợ nông dân

Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, thời gian qua, hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai hàng trăm dự án với hàng trăm nghìn hộ dân tham gia giúp cải thiện sinh kế cho nhân dân. Đặc biệt, hệ thống khuyến nông căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, vùng miền, nhu cầu của nông dân để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi, sản phẩm đặc trưng, tiến bộ kỹ thuật thích hợp để hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân.

Đặc biệt, hệ thống khuyến nông đã đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn.

Lan tỏa những mô hình mới

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết: "Con đường phát triển của khuyến nông gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam từ bảo đảm an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản”.

“Trên hành trình đó, khuyến nông giữ vai trò chủ lực trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tạo nên những dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết thêm.

Gia đình tôi hiện đang nuôi 50 đàn ong, sau khoảng hai tháng ong cho thu hoạch mật ba lần và đạt 2 kg/đợt/đàn, giá bán khoảng 300 nghìn đồng/lít.

Ông Nguyễn Hữu Tương thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)

Thời gian qua, những đàn ong mật đang là chiếc phao “cứu cánh” trong phát triển kinh tế của mười hộ dân thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Cũng từ nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tương, thôn Khe Giao, chia sẻ: “Gia đình tôi hiện đang nuôi 50 đàn ong, sau khoảng hai tháng ong cho thu hoạch mật ba lần và đạt 2 kg/đợt/đàn, giá bán khoảng 300 nghìn đồng/lít. Hiện nay, mật ong một phần do gia đình tự tiêu thụ còn lại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An thu mua”.

Theo thống kê, các chương trình khuyến nông trồng trọt luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nội dung hoạt động khuyến nông với nhiều chương trình đa dạng và gắn với định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh ở từng vùng miền, địa phương.

Riêng mô hình lúa-cá được mở rộng và đạt gần 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận từ 60 đến 80 triệu đồng/ha. Diện tích canh tác mô hình tôm-lúa đạt hơn 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu/ha/năm.

Trong đó, trọng tâm là sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng nhằm hướng dẫn nông dân sử dụng quỹ đất hợp lý, né tránh bất lợi thiên tai. Các mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, rau, hoa, cây ăn quả; mô hình chuyển đổi lúa-cá, tôm-lúa vùng đất trũng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long...

Riêng mô hình lúa-cá được mở rộng và đạt gần 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận từ 60 đến 80 triệu đồng/ha. Diện tích canh tác mô hình tôm-lúa đạt hơn 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu/ha/năm. Ngoài ra, cả nước hằng năm có hơn 100 nghìn ha chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây ăn quả, ngô, lạc, rau đậu các loại, cho thu nhập cao gấp 1,5 đến 2,5 lần so với trồng lúa.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với bà con nông dân

Những dự án khuyến nông Trung ương triển khai ở các địa phương trong cả nước thời gian qua để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Khi tham gia chăn nuôi gà an toàn sinh học của dự án, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp… cho nên hiệu quả cao hơn so với trước kia.

Ông Trần Ngọc Huynh, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị)

Từ năm 2010 đến nay, ở Trung ương, hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn được thực hiện theo hình thức dự án khuyến nông với 483 dự án với hơn 175 nghìn hộ dân tham gia.

Đồng hành, hỗ trợ nông dân ảnh 1

Vườn ươm cây keo lai mô ở Hợp tác xã Long Thành, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Đặc biệt, nhiều dự án, chương trình đã mở ra hướng sản xuất mới, tạo sinh kế cho bà con nông dân vùng nông thôn. Trong đó, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Thái Nguyên triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học.

Ông Trần Ngọc Huynh, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cho biết: “Thời gian trước, gia đình tôi nuôi gà theo kiểu truyền thống cho nên gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm ít dẫn đến chi phí cao. Khi tham gia chăn nuôi gà an toàn sinh học của dự án, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp… cho nên hiệu quả cao hơn so với trước kia. Dự kiến mỗi năm mô hình ấp nở và đưa ra thị trường hơn 100 nghìn gà giống phục vụ chăn nuôi của người dân trên địa bàn”.

Cũng từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang. Trên địa bàn xã, mô hình này có tám hộ tham gia với diện tích 4ha, bước đầu cũng đang mang lại hiệu quả tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Diệt, xã Phú Gia, cho biết: “Nhiều năm trước, gia đình tôi nuôi xen ghép tôm và cua vì vậy hiệu quả không cao. Sau khi được tham gia vào mô hình nuôi chuyên cua gạch, với diện tích 6 sào, gia đình tôi ước thu hoạch được khoảng hai tạ cua, giá bán từ 350 đến 400 nghìn/kg, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước”.

“Cánh đồng không dấu chân”

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, từ nền tảng của phong trào cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đẩy nhanh tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp trên khắp cả nước.

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã chuyển giao và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Đồng hành, hỗ trợ nông dân ảnh 2

Người dân xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bón phân bằng máy tại cánh đồng sản xuất theo quy mô lớn.

Do đó, xuất hiện những “cánh đồng không dấu chân” (sản xuất lúa được cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch). Từ năm 2010 đến năm 2021, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo trồng tăng từ 15% lên 65% và khâu thu hoạch tăng từ 15% lên 80%.

Phong trào ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 đến 20 lần, khắc phục tình trạng thiếu lao động; giảm 20 đến 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 đến 40% so với sản xuất đại trà.

Hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai trên 30 dự án về cơ giới hóa, trong đó các mô hình tiêu biểu như: Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cánh đồng lớn; ứng dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; lò sấy lúa công suất 30 đến 50 tấn/mẻ; ứng dụng mạ khay máy cấy; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình phun sạ lúa…

Phong trào ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 đến 20 lần, khắc phục tình trạng thiếu lao động; giảm 20 đến 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 đến 40% so với sản xuất đại trà.

Khẳng định vai trò khuyến nông cộng đồng

Nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, góp phần đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Ngoài 13 địa phương tham gia đề án thí điểm, trên cả nước đã có thêm 30 địa phương thành lập khoảng 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng.

Sau một thời gian triển khai, đến nay, ở 13 địa phương tham gia đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm với tổng số 168 thành viên và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với tổng số 4.276 thành viên. Đặc biệt, ngoài 13 địa phương tham gia đề án thí điểm, trên cả nước đã có thêm 30 địa phương thành lập khoảng 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng.

Hiện nay, đề án tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra khỏi phạm vi đề án vì nó có tác động to lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

Khuyến nông cộng đồng đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Các địa phương khi thành lập tổ khuyến nông cộng đồng cần quan tâm đến chất lượng và đào tạo theo hướng đa chức năng, gắn với xây dựng nông dân chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ nông nghiệp chất lượng cao.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Giúp bà con tiếp cận đến công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là trách nhiệm của khuyến nông các cấp thông qua xây dựng các mô hình trực tiếp. Vì vậy, tổ khuyến nông cộng đồng hướng tới kết nối giữa cơ quan có công nghệ, chuyển giao công nghệ đến với người sản xuất. Đồng thời, kết nối người sản xuất với thị trường thông qua doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam lưu ý: “Khuyến nông cộng đồng đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Các địa phương khi thành lập tổ khuyến nông cộng đồng cần quan tâm đến chất lượng và đào tạo theo hướng đa chức năng, gắn với xây dựng nông dân chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ nông nghiệp chất lượng cao. Mặt khác, trong quá trình triển khai tổ khuyến nông cộng đồng không nóng vội; cần xác định rõ vai trò của hoạt động khuyến nông bao phủ được hết toàn bộ nông dân”...

back to top