Trồng lúa không dấu chân

Để tăng lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích trồng lúa, nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở tỉnh Long An liên kết với nhau thực hiện mô hình "trồng lúa không dấu chân"… Theo đó, khâu làm đất, thu hoạch được cơ giới hóa; khâu gieo giống, bón phân và phun các chế phẩm bảo vệ thực vật ứng dụng công nghệ 4.0 từ thiết bị bay không người lái.
0:00 / 0:00
0:00

Vụ đông-xuân 2022-2023, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thương mại nông nghiệp 4.0 ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tổ chức cho 14 thành viên và liên kết với các hộ dân bên ngoài thực hiện mô hình "trồng lúa không dấu chân" trên diện tích hơn 250ha. Hiện, toàn bộ diện tích lúa sản xuất theo quy trình này đang chờ ngày thu hoạch.

Theo tính toán ban đầu, cách làm mới giúp giảm chi phí sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống; người nông dân nhàn hơn nhờ máy móc thay dần sức lao động, không còn tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật.

Hợp tác xã này cũng đang thí điểm mô hình trồng lúa sạ cụm trên diện tích 25ha. Nhờ đó, giảm được lượng giống từ 80kg/ha xuống còn 70kg/ha so với sạ lang; thời gian sinh trưởng của cây lúa nhanh hơn so với lúa cấy; giảm chi phí thuê nhân công cấy lúa 4 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước, Nguyễn Chí Trường cho biết, toàn xã có hơn 5.250ha đất trồng lúa, trong đó sáu khu vực có đê bao khép kín đang canh tác hơn 800ha lúa áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tiếp tục vận động nông dân thực hiện thêm năm mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích khoảng 500ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, Nguyễn Kinh Kha khẳng định, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình canh tác là giải pháp giảm giống, phân, chế phẩm bảo vệ thực vật và giảm công lao động, giúp nhà nông giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận so với sản xuất lúa truyền thống…

Long An hiện đã phát triển được gần 52.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Bình quân 1ha đất trồng lúa ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn cách sản xuất truyền thống từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/ha/vụ. Trong thực tế, thiết bị bay không người lái đang thay thế dần lao động chân tay trong khâu gieo giống, bón phân và phun chế phẩm bảo vệ thực vật.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Nguyễn Thanh Truyền cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung tuyên truyền đến từng hợp tác xã, hộ dân trồng lúa chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tập trung sản xuất lúa theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, xây dựng, củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 trong sản xuất gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn GAP, trồng lúa hữu cơ,… để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu gạo…