Phát động đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam

NDO - Hưởng ứng tinh thần Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, sáng 19/4, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát động phong trào đọc sách với chủ đề “Đọc sách để đổi mới, sáng tạo”.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam.
Lễ phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam.

Từ năm 2014, ngày 21/4 hằng năm được Chính phủ chọn là Ngày Sách Việt Nam với mục tiêu khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Sách là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai.

Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách, 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt 1 năm.Chỉ số này chứng minh sức đọc của người Việt rất thấp.

Trong tình hình chung đó, nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xuất bản nhiều ấn phẩm hình thức phong phú đa dạng: khoảng 20 đầu ấn phẩm tương đương với khoảng 120 nghìn bản, phát hành miễn phí đến 4.300 địa chỉ, phát hành đến các tỉnh, thành phố, các câu lạc bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông ... đã giúp cán bộ khuyến nông và đông đảo bà con nông dân tiếp cận thông tin tiến bộ kỹ thuật, thị trường... góp phần phát triển sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt, vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hỗ trợ các đơn vị hình thành Tủ sách khuyến nông. Thực tế cho thấy, nhiều tủ sách đã được các địa phương kết hợp cùng tủ sách cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa, tủ sách pháp luật đã mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những tủ sách chỉ để trưng bày bởi người dân còn nhiều thứ phải lo hơn là ngồi đọc sách.

Đặc biệt, từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện thí điểm sách nói thể hiện bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đọc ở mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đang làm việc.

Sách nói hiện đang là loại hình mới mang lại nhiều tiện ích cho người đọc và phù hợp sự phát triển của công nghệ hiện nay. Năm 2023 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ thực hiện số hóa sách giấy truyền thống sang phiên bản sách nói-sách audio nhằm mang lại nhiều thuận tiện hơn đối với người đọc.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh, hệ thống trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tiếp tục xây dựng và duy trì Tủ sách khuyến nông với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, có sự kết nối, liên thông trong hệ thống để nhằm khai thác tối đa nguồn tài liệu.

Đồng thời, các tỉnh cần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng nội dung các tài liệu, ấn phẩm phát hành: Xây dựng thư viện số với nguồn tài liệu phong phú đa dạng các lĩnh vực, thể hiện nhiều định dạng để người đọc dễ tìm kiếm và lựa chọn; tạo phiên bản điện tử song song với bản giấy; sắp xếp tài liệu có hệ thống để bạn đọc tra cứu dễ dàng; tuyên truyền giới thiệu sách trên trang web, bản tin, tại các sự kiện khuyến nông, đồng thời nghiên cứu nhu cầu hứng thú của bạn đọc để tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu…

Mỗi cán bộ khuyến nông, nhất là đoàn viên, thanh niên phải có tinh thần ham mê học tập, tìm tòi, sáng tạo nâng cao trình độ thông qua sách báo góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong các đơn vị.