Chu trình các đơn vị ở địa phương thực hiện Chương trình OCOP thường niên bao gồm những bước nào?

NDO - Chu trình các đơn vị triển khai Chương trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương làm rõ nội dung để triển khai phù hợp và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của các cấp trong việc hỗ trợ các chủ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Rượu mận Sa Pa, Lào Cai, sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)
Rượu mận Sa Pa, Lào Cai, sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Chu trình các đơn vị ở địa phương thực hiện Chương trình OCOP thường niên bao gồm những bước nào? (Nguyễn Thế Anh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)

Chu trình các đơn vị triển khai Chương trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương làm rõ nội dung để triển khai phù hợp và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của các cấp trong việc hỗ trợ các chủ thể. Cụ thể như sau:

Bước 1: Tuyên truyền hướng dẫn về chương trình về Chương trình OCOP

Công tác này nên được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng và chủ thể sản xuất. Sau đó, các chủ thể sản xuất mới có thể hiểu được kế hoạch và nội dung chương trình, đồng thời làm được phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm.

Bước 2: Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm

Cán bộ phụ trách Chương trình OCOP cấp xã và cấp huyện sẽ thực hiện nhận ý tưởng sản phẩm từ chủ thể, cấp huyện tiếp tục tổ chức đánh giá ý tưởng sản phẩm.

Với những ý tưởng sản phẩm không đạt thì trả lại, những ý tưởng đạt thì tiến hành tập huấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Sau tập huấn, các chủ thể cần xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh (theo mẫu) và nộp cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP cấp xã, huyện.

Bước 3: Nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh

Cán bộ phụ trách OCOP cấp huyện tiến hành nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh và tiến hành tổ chức đánh giá. Những phương án không đạt sẽ trả lại chủ thể và yêu cầu xây dựng lại, những phương án được chấp nhận sẽ được tập huấn, tư vấn, hướng dẫn để triển khai phương án.

Bước 4: Triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh

Lúc này, chủ thể sẽ tiến hành triển khai, đưa phương án, dự án sản xuất, kinh doanh vào thực tế. Các bên liên quan như cán bộ OCOP, cơ quan nhà nước, nhà tư vấn sẽ tư vấn và hỗ trợ tại cơ sở. Kết quả của bước này là chủ thể phải có sản phẩm hoàn thiện nhất có thể, chuẩn bị đầy đủ minh chứng và hồ sơ về sản phẩm.

Bước 5: Đánh giá và xếp hạng sản phẩm

Đội ngũ thực hiện Chương trình OCOP các cấp sẽ thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy trình đánh giá cấp huyện, tỉnh, trung ương.

Bước 6: Xúc tiến thương mại

Những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.