Các sản phẩm OCOP được đánh giá theo những mức nào? Hệ thống quản lý và giám sát các sản phẩm đó ra sao?

NDO - Sản phẩm của Chương trình OCOP được đánh giá và xếp hạng theo 5 mức theo quy định hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
Bánh chưng xanh Hải Yến, Sóc Sơn, Hà Nội, sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Bánh chưng xanh Hải Yến, Sóc Sơn, Hà Nội, sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Các sản phẩm OCOP được đánh giá theo những mức nào? Hệ thống quản lý và giám sát các sản phẩm đó ra sao? (Nguyễn Minh Anh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)

Sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng qua 5 mức:

- Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90-100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.

- Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70-89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng hạng lên 5 sao.

- Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50-69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng hạng lên 4 sao.

- Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30-49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.

- Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng lên hạng 2 sao.

Các sản phẩm OCOP được quản lý và giám sát thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thường xuyên; các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực được tập trung với các đối tượng là cán bộ triển khai thực hiện chương trình OCOP từ trung ương đến cơ sở, lãnh đạo quản lý và lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã… Nội dung đào tạo, tập huấn là kiến thức chuyên môn quản lý, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh theo khung đào tạo, tập huấn Chương trình OCOP.