Nguồn vốn và cơ cấu huy động vốn của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được lấy từ đâu? (Đặng Thu Hà, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên)
Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ có quy định cụ thể về nguồn vốn và cơ cấu huy động vốn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình OCOP).
Trước hết, nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP bao gồm:
- Vốn ngân sách trung ương của Chương trình OCOP được bố trí trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình OCOP trong tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Vốn ngân sách địa phương.
- Vốn tín dụng (bao gồm: vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã,...).
- Vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
- Vốn huy động hợp pháp khác.
Kinh phí quản lý, giám sát thực hiện Chương trình OCOP ở các cấp được trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các cấp được giao hằng năm.
Cơ chế tài chính của Chương trình thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các quy định của pháp luật liên quan.