Logo của Chương trình OCOP mang ý nghĩa gì? Lê Hà Ngọc, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Logo của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại Việt Nam gồm 4 chữ với những màu sắc và ý nghĩa khác nhau.
Chữ O màu nâu: Tượng trưng cho đất, nền tảng sản xuất, cuộc sống của làng xã.
Chữ C màu xanh lá cây: Tượng trưng cho nông nghiệp và sản xuất bền vững
Chữ O màu xanh nước biển: Tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam.
Chữ P màu vàng: Tượng trưng cho lợi ích, lợi nhuận của chương trình mà mỗi người dân, tổ chức tham gia được hưởng lợi.
Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phẩn xây dựng nông thôn mới.
Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 cho giai đoạn 2021-2025.
Sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống gắn với cộng đồng địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm.
Phát huy các kết quả đạt được giai đoạn 2018-2020 và căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cũng đã được ban hành theo Quyết định số 918 định hướng phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phẩn xảy dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 là đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín theo hướng kinh tế tuắn hoàn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng (trong đó có ít nhất 50% sản phẩm OCOP hiện có được củng cố và nâng cấp); Có ít nhất 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phẩn bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%...