Chủ thể OCOP có thể vận dụng những quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nào của Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ?

NDO - Chủ thể OCOP là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được hỗ trợ trong đào tạo nghề, đào tạo quản trị kinh doanh…
0:00 / 0:00
0:00
Trà Liên Hoa, Hà Nội, sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Trà Liên Hoa, Hà Nội, sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Chủ thể OCOP có thể vận dụng những quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nào của Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ? (Nguyễn Linh Chi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang)

Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, các chủ thể OCOP có thể vận dụng những nội dung sau:

Thứ nhất, hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Học viên của các doanh nghiệp này thuộc địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nghề.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng thì được miễn chi phí đào tạo.

Các chi phí còn lại do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận. Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tối thiểu 6 tháng liên tục.

- Không quá 50 tuổi đối với lao động nam và 45 tuổi đối với lao động nữ.

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp nhưng không quá 1 lần/năm. Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.