Nguồn lực thực hiện Chương trình từ đâu? (Trương Thị Thơm, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn)
Nguồn vốn triển khai Chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn lực thực hiện chương trình OCOP còn đến từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (định mức và nội dung chi được quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/1/2019 của Bộ Tài chính), vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề, các nguồn vốn lồng ghép hợp pháp khác của Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn vốn của Chương trình cũng đến từ các nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương thông qua các chương trình, đề án, dự án và cơ chế, chính sách được phê duyệt.