Nghị quyết số 41-NQ/TW được ban hành đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945-13/10/2023) đã mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng có nêu vấn đề “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.
Đa dạng phương thức hợp tác
Ngày 25/7/2023, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… được tiến hành, ghi dấu mốc quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo. Với sự chung tay, góp sức của bốn cơ quan, Chương trình phối hợp công tác cùng những “cam kết” cụ thể, hữu ích đã tạo điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí-truyền thông, hướng đến cùng thực hiện thành công mục tiêu lớn được đề ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW: Đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.
Trên thực tế, trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI, các cơ quan báo chí và đơn vị liên quan đã tổ chức các Diễn đàn báo chí đồng hành với Doanh nghiệp như Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững 2024”, Diễn đàn “Báo chí kiến tạo - Nâng cao công tác truyền thông cho đơn vị, doanh nghiệp”. Đặc biệt, tại Hội Báo toàn quốc 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã dành một phiên đặc biệt với chủ đề “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”. Lần đầu đại diện báo chí, doanh nghiệp và các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau để bàn luận về khả năng hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và hỗ trợ báo chí…
Một điểm mới, thú vị nữa là lần đầu tiên Hội báo Toàn quốc có sự tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, với gần 70 gian hàng của nhiều tỉnh, thành phố… khẳng định sức hút và vai trò của truyền thông, báo chí trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, là minh chứng mạnh mẽ về đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp.
“Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau từ rất lâu. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mối quan hệ ấy cần được nâng lên cấp độ mới. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần duy trì, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần cởi mở, minh bạch, tích cực”.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Chuyên trang OCOP - món quà ý nghĩa của Báo Nhân Dân nói riêng, những người làm báo nói chung dành cho những nhà sản xuất và người nông dân trên chặng đường hội nhập… chính thức ra mắt. Việc xây dựng và cho ra mắt một chuyên trang về Chương trình OCOP cùng các phụ trương chuyên trang, chuyên mục riêng biệt về sáu vùng kinh tế-xã hội trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân nằm trong mục tiêu của Báo Nhân Dân là kiên định định hướng, đồng hành, lan tỏa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tế đời sống sản xuất, kinh doanh, kịp thời phản ánh và gợi ý những giải pháp để phát triển bền vững…
Cho sự phát triển và vì sứ mệnh phụng sự…
Tiếp tục hành trình xây dựng niềm tin bền chặt và cùng phát triển bền vững, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận: “Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông khách quan trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan tỏa tới công chúng”.
Bàn về việc nâng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp lên một mức độ mới, đại diện lãnh đạo VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đội ngũ nhà báo cần đồng hành trên năm phương diện chính: Nâng cao nhận thức chính trị; thúc đẩy văn hóa kinh doanh và văn hóa báo chí; tuyên truyền chính sách; hợp tác nâng cao năng lực; đấu tranh với những sai trái trong kinh doanh để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.
Ở góc độ của một cơ quan báo chí, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet Nguyễn Văn Bá nhấn mạnh, nền tảng cho mối quan hệ hợp tác này là đạo đức. Đạo đức báo chí là đưa tin khách quan, phản biện mang tính xây dựng, trong khi đạo đức doanh nghiệp là kinh doanh hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh của mình, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. “Báo chí và doanh nghiệp khi thực thi đạo đức của mình sẽ tạo ra lòng tin và lan tỏa; văn hóa hợp tác chủ động, thông tin chính xác sẽ góp phần tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và tạo giá trị cho tờ báo”, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet nói.
Mới đây nhất, tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức ngày 21/9 vừa qua tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), vấn đề về báo chí giải pháp được đại diện lãnh đạo của các cơ quan báo chí phân tích sâu, và ở góc độ nào đó, đây cũng chính là một cách nâng cấp mối quan hệ với doanh nghiệp trong tình hình mới. Việt Nam đang hội nhập quốc tế nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam trông đợi rất nhiều ở những tuyến bài theo thể loại báo chí giải pháp để có thêm kênh nắm bắt thông tin chuyên sâu và từ đó có các gợi mở cho những quyết sách quan trọng của doanh nghiệp… Ở góc độ phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm một lần nữa khuyến nghị, tầm nhìn của các cơ quan báo chí, năng lực của phóng viên viết về lĩnh vực kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp là rất quan trọng.
Có thể nói, câu hỏi báo chí đồng hành như thế nào cùng doanh nghiệp sẽ vẫn là chủ đề nóng, đòi hỏi có thêm những chính sách, những hành động cụ thể để tạo nên “xung lực mới”, góp phần giúp mối quan hệ hợp tác tương hỗ, cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp thêm bền chặt và niềm tin với nhau thêm sâu sắc hơn. Thực tế đã chứng minh, sự hợp tác giữa cơ quan báo chí và doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và văn minh.