BIM - công cụ quản lý dự án toàn diện
Chuyển đổi số trong ngành xây dựng đang được thúc đẩy nhanh chóng nhờ sự phát triển của các công nghệ tiên tiến. Hiện việc áp dụng công nghệ số, đặc biệt là mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling - BIM), đã và đang trở thành xu hướng tất yếu khi BIM không chỉ dừng lại ở một mô hình 3D giúp hình dung cấu trúc công trình, mà còn là một công cụ quản lý dự án toàn diện.
Thực tế minh chứng, các dự án hạ tầng giao thông đã bắt đầu sử dụng công nghệ BIM nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, thi công và quản lý dự án, mang lại những cải tiến vượt trội về cả chất lượng lẫn tiến độ.
Theo PGS, TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), công nghệ BIM đã chứng minh vai trò của mình trong việc cải tiến quy trình xây dựng. Về dài hạn, BIM không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình thiết kế và xây dựng mà còn hỗ trợ quản lý dự án xuyên suốt vòng đời công trình.
Với khả năng tạo ra các mô hình 3D chi tiết, BIM giúp các nhà quản lý dễ dàng phát hiện các lỗi kỹ thuật hoặc xung đột tiềm ẩn giữa các hệ thống kỹ thuật trong công trình. Ngoài ra, BIM còn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình xây dựng, từ khâu lập kế hoạch đến bảo trì. BIM không chỉ cung cấp thông tin chính xác về vật liệu, thiết bị cần sử dụng mà còn giúp nhà thầu quản lý chi phí một cách hiệu quả. Việc sử dụng BIM trong các dự án giao thông lớn có thể giúp rút ngắn 12-15% thời gian thi công so các phương pháp truyền thống.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ này tạo ra những bước tiến lớn trong quản lý xây dựng và quy hoạch đô thị. Thí dụ, tại Vương quốc Anh, việc áp dụng BIM đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong các dự án công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2016. Điều này cho thấy BIM không chỉ là công cụ công nghệ, mà còn là công cụ quản lý hiệu quả để nâng cao chất lượng công trình, giảm rủi ro và tối ưu hiệu quả.
Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ứng dụng công nghệ số được doanh nghiệp triển khai linh hoạt đối với từng dự án. Với các dự án đầu tư công, Đèo Cả sẽ ứng dụng BIM để đánh giá tình hình giải phóng mặt bằng, khảo sát và đo đếm khối lượng công việc định kỳ trên hiện trường. Còn với các dự án theo hình thức đối tác công-tư, trong vai trò nhà đầu tư, tập đoàn ứng dụng BIM ngay từ khâu thiết kế.
Doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo nhân lực ứng dụng BIM. |
Lựa chọn hợp lý, đa ứng dụng trong thực tế
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, quyết tâm tiên phong triển khai ứng dụng BIM trong các hoạt động, Tập đoàn Đèo Cả đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng phục vụ nghiên cứu và ứng dụng BIM trong các hoạt động, đặc biệt tại khối dự án của doanh nghiệp.
Thực tế, công tác ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp này được xác định là “những việc cần làm ngay”. Do đó, ngoài hoạt động tại doanh nghiệp, những công việc trên hiện trường dự án đã ứng dụng công nghệ số như khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý bắt đầu bằng việc đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực và xây dựng các quy trình vận hành.
Về chiến lược áp dụng công nghệ số vào các dự án của Đèo Cả, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, khi ứng dụng công nghệ mới, có hai mục tiêu được đặt ra: Một là nâng cao hiệu quả về kinh tế. Hai là giải quyết các vấn đề mà cách thức làm việc hiện tại không thể giải quyết được. Theo đó, việc đưa một công nghệ vào thực tế cần phải có sự đầu tư về vật chất và đào tạo nhân sự, bởi vậy luôn phát sinh một khoản chi phí ban đầu. Tùy thuộc vào quy mô ứng dụng mà chi phí này ít hay nhiều. Tuy nhiên, nếu xét đến lợi ích lâu dài và với quy mô lớn, khi những việc mà cách làm thông thường không thể giải quyết được, thì công nghệ số là lựa chọn hợp lý.
Đến thời điểm này, các nhóm tư vấn đã được trang bị đủ thiết bị, phần mềm BIM, đào tạo nhân lực BIM, huấn luyện sử dụng các thiết bị cho nghiên cứu khảo sát, triển khai tại các dự án đường cao tốc như: Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hữu Nghị-Chi Lăng, Tân Phú-Bảo Lộc…
Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đang được triển khai thực hiện là thí dụ điển hình trong áp dụng công nghệ BIM, tăng khả năng phối hợp giữa các bên và quản lý dữ liệu tập trung. Thông qua nền tảng BIM, các thông tin về thiết kế, cấu trúc, cơ điện và các hệ thống kỹ thuật khác đã được tích hợp trên mô hình 3D, giúp các đội ngũ làm việc đồng bộ, tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn. BIM còn hỗ trợ tối ưu hóa quản lý chi phí và nguồn lực. Từ BIM, các nhà thầu có thể trích xuất khối lượng vật tư và vật liệu cần thiết cho từng giai đoạn thi công, từ đó dự báo chính xác hơn về yêu cầu nguồn lực và giảm rủi ro chi phí phát sinh.
Không chỉ tiên phong trong việc ứng dụng BIM tại các dự án thi công, đã có những sáng kiến mới về công nghệ này được “trình làng” ở các cuộc thi quốc tế. Tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đại Phong đã xuất sắc giành Giải nhất sáng tạo tại cuộc thi Autodesk ASEAN Innovation Awards 2024, giải thưởng uy tín khu vực Đông Nam Á với sản phẩm ứng dụng BIM trong thiết kế dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng.
Đây là dự án do Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đề xuất, là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án, mời Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Đại Phong tham gia với vai trò đơn vị tư vấn thiết kế dự án. Cũng tại dự án này, nhà đầu tư đã chủ động đầu tư kinh phí để ứng dụng công nghệ số vào thiết kế, thi công và quản lý dự án. Đáng chú ý, công nghệ BIM còn sở hữu tiềm năng ứng dụng trong thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống trạm dừng nghỉ. Nghĩa là không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế và thi công, BIM còn hỗ trợ quản lý và bảo trì công trình sau khi hoàn thành, bảo đảm rằng các trạm dừng nghỉ luôn ở trạng thái tốt nhất để phục vụ người dân.
PGS, TS Trần Chủng nhận định, trong tương lai, xu hướng phát triển sẽ là sự tích hợp BIM với các công nghệ tiên tiến khác như internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra các trạm dừng nghỉ thông minh, có khả năng tự động theo dõi và quản lý tình trạng công trình. Điều này sẽ nâng cao tính hiệu quả và bền vững của các công trình phục vụ cộng đồng tại Việt Nam. Công nghệ BIM còn giúp các dự án xây dựng trở nên minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí nhờ vào khả năng mô phỏng chính xác mọi khía cạnh của công trình, từ thiết kế đến kỹ thuật thi công.
Kết quả theo dõi việc áp dụng BIM của Bộ Xây dựng giai đoạn 2017-2021 cho thấy, BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng BIM được xem là công cụ hỗ trợ quá trình thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...