Trọn cuộc đời ân tình với nông nghiệp

Hiện nay, sản lượng rau quả của cả nước ước khoảng 31 triệu tấn/năm, nhưng tỷ lệ chế biến chỉ chiếm chưa đến 20%. Thấm thía nỗi đau nhiều nông sản của Việt Nam vốn dĩ chất lượng cao nhưng phải bán đổ, bán tháo, xuất khẩu với giá rẻ mạt hoặc phải bỏ đi, có một doanh nhân đã hàng chục năm nay miệt mài tìm cách chế biến sâu nông sản, nâng cao giá trị và đưa nhiều nông sản Việt thâm nhập các thị trường đòi hỏi chất lương cao nhất trên thế giới.
Ông Đinh Cao Khuê (bìa trái) dự khai trương nhà máy chế biến rau quả tại Sơn La.
Ông Đinh Cao Khuê (bìa trái) dự khai trương nhà máy chế biến rau quả tại Sơn La.

"Tôi gắn bó với nông nghiệp như số phận vậy. Đi đâu thấy đất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp là say sưa, là đam mê. Cho đến giờ, có thể nói cả cuộc đời tôi gắn với nông nghiệp và dành cho nông nghiệp"- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Từ lặn lội đến kiến tạo thị trường

Có lẽ, nhờ đam mê ấy, nhờ sự theo đuổi dài lâu và tâm huyết ấy mà đã có một DOVECO lớn mạnh như hôm nay. Sở hữu hơn 5.500 ha đất canh tác và 13.000 ha đất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, DOVECO không chỉ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả theo chuỗi giá trị khép kín quy mô lớn nhất cả nước, mà còn đang là "bệ đỡ" đưa nông sản Việt vươn xa khi tạo đầu ra ổn định cho nông dân nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều sản phẩm của DOVECO đã chiếm lĩnh thị trường: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hiện DOVECO sở hữu ba trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất, gồm: Nhà máy Doveco Ninh Bình công suất 32.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Doveco Gia Lai công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Doveco Sơn La công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. DOVECO sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: công nghệ cấp đông IQF xuất xứ từ Nhật Bản; công nghệ cô đặc và xay nhuyễn nhập khẩu châu Âu; công nghệ phát hiện dị vật; công nghệ đóng gói sản phẩm đông lạnh; công nghệ cắt gọt dứa tự động…

Để có được một thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, từ cách đây khoảng 40 năm, ông Khuê đã lặn lội đến nhiều quốc gia, khu vực. Vừa khảo sát thị trường thực phẩm thế giới, tham dự nhiều hội chợ quốc tế, vừa học cách kinh doanh và mấu chốt là tìm xem thị trường cần cái gì, từ đó, ông nhận ra, thị trường thực phẩm đồ uống thế giới rất đa dạng và nhiều tiềm năng, nhất là châu Âu, Nam Mỹ.

"Với châu Âu và Nam Mỹ đồ uống rất quan trọng, ngay cả trong lúc kinh tế khó khăn thì thị trường đồ uống ở khu vực này vẫn tăng trưởng. Qua tiếp xúc với hầu hết các các tập đoàn kinh doanh về đồ uống từ trái cây trên thế giới, tôi thấy đồ uống của Việt Nam rất có vị thế. Thí dụ như các sản phẩm chế biến từ chanh leo, sầu riêng... Thậm chí, hiện nay Việt Nam còn có khả năng chi phối thị trường này", ông Khuê nói.

Sản phẩm xuất khẩu chính của DOVECO là chanh leo, được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, trồng ở độ cao 700-800m so mực nước biển nên cây chanh leo phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Ngoài ra, DOVECO còn có sản phẩm truyền thống là dứa tươi nguyên chất và các loại nước ép trái cây khác như: chuối tươi, đào tươi, lạc tiên...

Bên cạnh đó là các sản phẩm đóng hộp như ngô hạt, ngô ngọt nghiền…; các sản phẩm đông lạnh gồm dứa, xoài, vải cùi, vải nguyên quả… và các loại trái cây tươi khác. Thời gian vừa qua, DOVECO cũng thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Đây là loại trái cây có sức cạnh tranh lớn, với kim ngạch xuất khẩu và khả năng chiếm lĩnh thị trường rất cao.

Trọn cuộc đời ân tình với nông nghiệp ảnh 1

Dây chuyền chế biến hoa quả của DOVECO.

Nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín với nông dân

Để có nguồn nguyên liệu cung ứng ổn định cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến của DOVECO cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000-30.000 ha. Tuy nhiên, ở Việt Nam khó có doanh nghiệp nào sở hữu diện tích nông nghiệp sẵn có lớn như vậy, cho nên để có đủ nguyên liệu cho nhà máy, buộc phải liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Thực tế minh chứng, liên kết sản xuất với nông dân chưa bao giờ là câu chuyện dễ, khi những chuyện "bẻ kèo" cả từ hai phía vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác.

Song ở DOVECO, sự hợp tác liên kết đã đi vào chiều sâu, nhuần nhuyễn, vừa có hợp đồng mang tính pháp lý, vừa có nền tảng tình cảm và tin cậy thông qua các hợp tác xã. Tại Tây Nguyên, công ty liên kết với 20 hợp tác xã, đủ cung cấp nguyên liệu theo yêu cầu. Tương tự, tại Sơn La, các hợp tác xã cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho doanh nghiệp.

DOVECO có cơ chế xây dựng lòng tin với nông dân thông qua việc bảo đảm lợi ích, thanh toán tiền kịp thời với giá thành bảo đảm, giúp nông dân luôn có lợi. Khi nông dân có lợi nhuận thì mọi việc rất thuận lợi và càng liên kết sâu sẽ càng ổn định.

"Ngoài ra còn một điều quan trọng nữa, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín với người nông dân. Thí dụ, có thời điểm tại Lai Châu, công ty ký với các hộ dân trồng chanh leo giá 12.000 đồng/kg, nhưng khi thu hoạch giá xuống chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi vẫn mua với giá đã ký. Trong một số trường hợp, công ty có thể phải chịu thiệt, chịu lỗ, nhưng bù lại người dân được lợi thì chúng ta vẫn phải làm. Bởi vì khi người dân hiểu, tin, đồng hành cùng doanh nghiệp, sự gắn bó, liên kết sẽ chặt chẽ và đó chính là lợi ích lâu dài, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của DOVECO", ông Khuê đúc kết.

Thực tế, có không ít lần DOVECO đã chịu thiệt khi vụ đầu, nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất, vẫn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho nên khi kiểm tra chất lượng, phía khách hàng Nhật Bản không nhập hàng. Trong trường hợp này, công ty vẫn trả tiền hàng cho người dân. Sau đó, đến lần 2, lần 3 được công ty tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã làm chuẩn và cùng DOVECO gây dựng được vùng nguyên liệu tốt.

Mặt khác trong những lúc cây trồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết thì công ty cũng đều đứng ra hỗ trợ tiền giống, tiền làm đất, tiền thuốc bảo vệ thực vật… Trong hợp đồng bao tiêu, DOVECO sẽ thu mua 80% sản lượng, còn 20% nông dân có thể tùy ý bán cho công ty hoặc bán ra thị trường nhằm bảo đảm lợi ích cho bà con nếu giá thị trường cao hơn giá công ty mua tại thời điểm thu hoạch.

"Điều đáng vui mừng là trong suốt nhiều năm qua, kể cả có những thời điểm giá thị trường cao hơn thì nông dân vẫn bảo đảm giao đủ sản lượng cho DOVECO", niềm vui, niềm tự hào hiện trên gương mặt ông Khuê khi chia sẻ về mối tương hỗ giữa doanh nghiệp và đối tác đặc biệt của họ - người nông dân.

Hiện, sản phẩm chanh leo Việt Nam chiếm tới 60% thị phần chanh leo thế giới, có thể điều chỉnh giá thành chanh leo quốc tế, trong khi trước đây vai trò này thuộc về các nước Nam Mỹ như: Peru, Ecuador.