Không bao giờ bỏ cuộc

Thế hệ nào cũng phải gánh vác trên vai vận mệnh của Tổ quốc mình. Đất nước có chiến tranh, già, trẻ, gái, trai đều thành anh hùng, chiến sĩ. Hòa bình - những lớp người lựa chọn trở thành doanh nhân, mang lại sự giàu có cho mình và sự thịnh vượng cho Tổ quốc.
Nữ doanh nhân Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm (người đứng đầu tiên bên phải) được mệnh danh là "nữ tướng của ngành may" với hai lần vực dậy các công ty may trên bờ vực phá sản.
Nữ doanh nhân Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm (người đứng đầu tiên bên phải) được mệnh danh là "nữ tướng của ngành may" với hai lần vực dậy các công ty may trên bờ vực phá sản.

Nhớ lại hai mươi năm trước, khi lần đầu có Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004) do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, chúng tôi ngồi với nhà sử học Bùi Thiết. Trò chuyện về hai từ doanh nhân, ông cười bảo: Ngay từ thuở xa xưa vừa lập nước, ta đã có doanh nhân - đó là Hoàng Phủ Thiếu Hoa (Công chúa con Vua Hùng thứ 17) đã dạy cho dân Cổ Độ (nay thuộc Ba Vì) nghề tơ tằm. Công chúa Tiên Dung con Vua Hùng thứ 18 cùng chồng là Chử Đồng Tử mở mang buôn bán, giàu có ở vùng sông nước Hưng Yên; Ông Nỏ - tướng giỏi của nhà Thục là chủ một lò đúc mũi tên đồng ở Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội)…

Sử sách đánh giá rằng, Phùng Khắc Khoan “là một nhà kinh bang tế thế”. Tên tuổi và sự nghiệp của ông không những gắn liền với những sự kiện chính trị mà còn gắn liền với thành tựu kinh tế mang tính thời đại của đất nước thế kỷ 16. Ông là tổ sư của nghề dệt the lụa và mang giống ngô khi đi sứ Trung Quốc về dạy cho dân làng cách thức canh tác. Nhiều ngôi làng Việt tôn những người có công đem nghề sản xuất hay buôn bán dạy cho dân làng làm thành hoàng, hoặc lập đền thờ hương khói quanh năm…

Gần với chúng ta nhất là một thế hệ doanh nhân vàng đầu thế kỷ 20. Một Bạch Thái Bưởi với tinh thần dân tộc và khát vọng cải tạo xã hội đã thiết lập được một đội tàu hơn 30 chiếc chạy khắp các tuyến sông miền bắc và vươn ra các nước lân cận, cạnh tranh với giới chủ người Hoa, người Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng, có ý nghĩa đến tận bây giờ “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”. Đó là nhà tư sản Trịnh Văn Bô hiến cả gia tài cho cách mạng và căn nhà số 48 Hàng Ngang đã trở thành địa danh lịch sử - Nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Là các nhà tư sản dân tộc yêu nước, thương dân như Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện và các nhà công thương gia với tuần lễ vàng nổi tiếng ngay sau Cách mạng Tháng Tám để huy động sức dân chung sức cùng chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ.

Sau này bức ảnh đen trắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với các nhà công thương gia Hà Nội ngày 18/9/1945 trong tuần lễ vàng được đóng khung rất trang trọng, treo ở phòng làm việc của nhiều vị chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân. Đó là một biểu tượng về ý chí, sự tận tâm của chính quyền và ý thức phụng sự Tổ quốc của giới doanh nhân. Một khát vọng mãnh liệt đầy hình ảnh về nước mạnh, dân giàu!

Việt Nam, nơi mà truyền thống chỉ trọng “kẻ sĩ”, từ bao đời nay tầng lớp thương gia đã phải vật lộn tìm chỗ đứng trong nền kinh tế cũng như trong xã hội. Nếu không có tinh thần thép để vượt qua những rào cản, định kiến và muôn vàn khó khăn, thử thách, không thể có đội ngũ doanh nhân hiện nay. Nhiều cuộc đời chìm nổi của các doanh nhân là bằng chứng sống cho việc không bao giờ chịu khuất phục nghịch cảnh.

Trong triết lý kinh doanh của nhiều doanh nhân, điều quan trọng chính là phải làm sao đứng vững sau những vấp ngã. Còn nhớ, cuộc khủng hoảng kinh tế 2011-2013 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải trả giá đắt cho việc đầu tư nóng, dàn trải. Vì thế, với những doanh nhân đủ bản lĩnh thừa nhận thất bại, rút lui khỏi những lĩnh vực không phải là cốt lõi, quay về với những giá trị gốc, con đường gây dựng lại sản nghiệp đầy khó khăn nhưng cũng có được trái lành.

Trải qua đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và gần đây nhất là siêu bão Yagi, cộng đồng doanh nhân Việt thật sự đứng trước những thách thức chưa từng có. Nhiều doanh nhân đứng trước câu hỏi sinh tử - Dừng lại hay bước tiếp? Có thực tế, ở nhiều doanh nghiệp, thế hệ doanh nhân F1 vẫn đang phải cáng đáng cơ đồ vì thế hệ F2 không muốn kế nghiệp khi chứng kiến những gian nan, sức ép mà thế hệ đi trước phải trải qua.

Sự khốc liệt trên thương trường có thể mường tượng được từ những con số doanh nghiệp phá sản, rút lui khỏi thị trường. Song, những nỗ lực của doanh nhân để tồn tại trong thời điểm này lại không dễ được thấu hiểu. “Đó là chặng đường đầy mồ hôi và xương máu khi tìm cách vực lại doanh nghiệp” - Doanh nhân Nguyễn Văn Bình và nữ doanh nhân Nguyễn Thị Minh Uyển, những người đã từng thành đạt, rồi “trắng tay”, phải làm lại từ đầu, chia sẻ với người viết.

Ngay sau siêu bão Yagi, Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty - người từng vực dậy doanh nghiệp may Chiến Thắng trên bờ vực phá sản, khi nói về bối cảnh hiện nay, chị điềm tĩnh cho biết: “Không thể đo đếm hết những thiệt hại xảy ra mấy năm qua đối với một doanh nghiệp có hàng chục nghìn công nhân trong lĩnh vực may mặc, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo... như Hồ Gươm và Chiến Thắng. Nhưng làm doanh nhân nghĩa là trong mọi hoàn cảnh vẫn phải nhìn về phía trước để bước tiếp, bởi đằng sau còn biết bao con người và gia đình trông cậy vào mình...”. Vậy nên, doanh nhân ở mình vẫn được gọi là “chiến binh thời bình”. Họ lựa chọn sống hết mình và sống không chỉ vì bản thân mình!

Trong chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” diễn ra vào sáng thứ 7 hằng tuần, do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) tổ chức, các doanh nhân dù còn nhiều ưu tư, trăn trở vẫn sôi nổi với chuyên đề ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thật tương đồng, ngay sáng nay thôi, khi viết những dòng này, tôi đọc trên trang Facebook của một người bạn doanh nhân. Anh viết “Các doanh nghiệp khu vực Chợ Lớn “đến hẹn” lại cùng gặp gỡ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mọi người đang học cách để bước tiếp, hỗ trợ nhau để không chôn chân tại chỗ!”.

Chợt nhớ đến truyền thuyết phượng hoàng trọng sinh. Khi đến giờ khắc của mình - phượng hoàng bùng cháy dữ dội. Rồi trên đống tro tàn ấy, một con phượng hoàng non nớt sẽ tái sinh và tiếp tục một vòng đời mới! Thất bại của ngày hôm trước sẽ là thắng lợi của ngày hôm sau. Thất bại của người đi trước luôn là bài học cho những người đi sau. Chỉ cần một điều - Không bao giờ bỏ cuộc!

Chúng ta vẫn sẽ phải gồng sức để vượt qua vô số khó khăn từ những siêu bão mang tên “khủng hoảng kinh tế, đại dịch, thiên tai”, v.v. Những năm tháng này thật chẳng dễ dàng gì với cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam. Nhưng như một phương ngôn xưa “Kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng, còn người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc”. Hơn lúc nào hết, niềm tin, quyết tâm sẽ là những yếu tố đầu tiên để nền kinh tế và mỗi doanh nhân có điểm tựa đi đến cùng con đường tái thiết, khẳng định thương hiệu và vươn tới thành công.

Không bao giờ bỏ cuộc ảnh 1
Tại Chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" sáng thứ 7 hằng tuần do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) tổ chức, các doanh nghiệp, doanh nhân cùng bàn luận về cách thức vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: THẢO HUYỀN