Vun bồi chữ "Tâm" trong văn hóa doanh nghiệp

Đặt tin tưởng vào thế hệ kế thừa, song ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vẫn luôn nhắn nhủ và truyền thụ triết lý kinh doanh đặt chữ Tâm làm nền tảng của doanh nghiệp. Ông tâm niệm, sự thành công trong kinh doanh phải luôn gắn liền với trách nhiệm sẻ chia cùng cộng đồng, đó chính là chìa khóa để phát triển bền vững.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các đại biểu chụp ảnh cùng các học sinh-sinh viên dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các đại biểu chụp ảnh cùng các học sinh-sinh viên dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Gần 40 năm trước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư với ước vọng và quyết tâm góp sức xây dựng quê hương đất nước trở nên đẹp giàu sau chiến tranh. Đến nay, IPPG đã lớn mạnh với 37 công ty thành viên và công ty liên doanh. Dưới sự dẫn dắt của ông, Tập đoàn liên tục đạt được mức tăng trưởng hai con số hằng năm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho hơn 25 nghìn lao động ở Việt Nam.

Tâm nguyện vì cộng đồng

Với những cống hiến và thành công trong hoạt động kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến trong vai trò là người góp phần khai thông đường bay thẳng của Hãng hàng không Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Manila (Philippines) năm 1985, góp phần mở cửa bầu trời từ Việt Nam ra với thế giới.

Có thể nói, sự nhạy bén khi gây dựng sự nghiệp tại quê nhà đúng vào giai đoạn đất nước đổi mới cộng với tâm thế trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, ông đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào hơn 30 dự án thuộc nhiều lĩnh vực, từ đó tạo dựng một cơ nghiệp vững mạnh. Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành nhà phân phối độc quyền hàng đầu tại Việt Nam với hơn 138 thương hiệu quốc tế nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, là nhà đầu tư xây dựng và quản lý Nhà ga quốc tế Cam Ranh, trung tâm thương mại cao cấp...

Không dừng ở những thành công trong kinh doanh, suốt 40 năm qua, hình ảnh một doanh nhân ngược xuôi làm từ thiện, từ đất liền đến hải đảo, từ miền nam ra bắc, từ đồng bằng đến núi cao với các khoản kinh phí tài trợ hàng trăm tỷ đồng... đã trở nên quen thuộc với cộng đồng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn luôn dành nhiều tâm huyết cho Quỹ học bổng Vừ A Dính, bởi từ đây có thật nhiều các em nhỏ vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ vượt qua khó khăn, được chắp cánh theo đuổi con đường học tập, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho bản thân các em và gia đình, cũng như sẽ cống hiến cho đất nước.

Tham gia "Chuyến đi hạnh phúc" cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước, ông đã cam kết tham gia nhiều chương trình thiện nguyện và luôn giữ uy tín "nói là làm". Trong vai trò thành viên sáng lập và là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu", doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: Câu lạc bộ luôn chăm lo cho con em của các cán bộ, chiến sĩ và người dân biển đảo, tạo điều kiện để các em được vào đất liền học tập. Nhiều em đã trưởng thành, trở thành kỹ sư, bác sĩ... và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Với ông, đạo đức trong kinh doanh không chỉ là giữ vững nguyên tắc và lương tâm mà còn là biết sẻ chia với cộng đồng. Khi doanh nghiệp đạt được những thành tựu, doanh thu cao, điều đầu tiên ông nghĩ đến không chỉ là chăm lo đời sống cho người lao động, mà còn là đóng góp cho xã hội. Thế nên mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ông đều tập trung cán bộ, nhân viên tại văn phòng, cảm ơn và nhắc nhở mọi người làm việc luôn phải thượng tôn pháp luật, làm việc với cái tâm và tầm nhìn lớn, luôn biết sẻ chia cùng cộng đồng.

Mới đây, hưởng ứng việc khắc phục hậu quả cơn bão Yagi, cá nhân ông và Tập đoàn đã ủng hộ hơn 8 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền bắc vượt qua khó khăn với tinh thần: "Người trong một nước phải thương nhau cùng!".

"Tôi đặt hết tâm huyết vào những việc đóng góp cho cộng đồng và sẽ tiếp tục truyền lại chữ Tâm ấy cho con cháu và toàn thể 25 nghìn nhân viên của chúng tôi trên đất nước Việt Nam thân yêu này", doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn trải lòng.

Vun bồi chữ "Tâm" trong văn hóa doanh nghiệp ảnh 1

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (phải) trao một tỷ đồng ủng hộ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và cấp học bổng cho học sinh là con của quân nhân chuyên nghiệp.

Lan tỏa văn hóa doanh nghiệp

Trò chuyện với chúng tôi, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn nhiều lần nhắc đến bài học đầu tiên từ lời căn dặn của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh trong lần gặp gỡ sau khi đã mở được đường bay đến Philippines năm 1985, đó là: Làm ăn ở Việt Nam, con cần nhớ hai điều: Thứ nhất, phải kiên nhẫn, kiên trì. Thứ hai, phải làm đúng quy định của pháp luật. Khi đó, Đảng, Chính phủ và nhân dân sẽ bảo vệ con.

"Tôi luôn khắc cốt ghi tâm và làm theo những điều bác Trần Quỳnh căn dặn. Sau 40 năm kinh doanh, tôi đã xây dựng vững chắc văn hóa doanh nghiệp cho Tập đoàn IPPG. Vì thế, trong thời gian tới, tôi tin rằng mọi thứ sẽ tiếp tục ổn định, phát triển, và tôi không còn lo ngại hoặc lúng túng trước những khó khăn đi tìm định hướng cho doanh nghiệp nữa!", ông tâm sự.

Việc Việt Nam thành lập Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp khiến doanh nhân lão luyện trên thương trường cảm thấy rất vui. "Đây là động lực để tôi tự tin tiếp bước con đường mình đã lựa chọn, theo đuổi bấy lâu. Giờ đây, tôi không đi một mình mà sẽ có nhiều doanh nhân cùng chung sức cho phong trào xây dựng văn hóa doanh nhân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam".

Văn hóa doanh nghiệp không thể hình thành trong "một sớm, một chiều" mà phải "mưa dầm thấm lâu" vào từng lãnh đạo và tập thể doanh nghiệp. Từ 1 người, 10 người, 100 người, rồi 1.000 người... thực thi văn hóa doanh nghiệp, như dòng nước lớn thấm sâu, nuôi dưỡng giúp kiến tạo sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Đặt trọn niềm tin vào đường lối đổi mới và cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, vào một thế hệ "doanh nhân F2" đầy tâm huyết, năng động, minh bạch và trong sạch, sẽ đưa văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: "Đây là một bước tiến tuyệt vời! Tôi đã sẵn sàng rút lui, giao lại việc quản lý cho thế hệ trẻ, chỉ đứng sau tư vấn về chiến lược và định hướng. Tôi thực tâm kỳ vọng, thế hệ "doanh nhân F2" luôn và phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu. Dù khó, nhưng phải làm kỳ được, bởi lãnh đạo doanh nghiệp không thể vì lợi ích cá nhân, mà phải luôn đặt luật pháp và lợi ích đất nước lên trên hết! Nếu người đứng đầu làm tròn được chữ Tâm như vậy, mọi người sẽ noi gương, doanh nghiệp sẽ được tin tưởng và tạo điều kiện để đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào sự phát triển của quốc gia".

Với doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: Yếu tố cốt lõi làm nên thành công trong kinh doanh là đúng người, đúng thời điểm, đúng vị trí! Ông luôn nhấn mạnh với mỗi thành viên trong gia đình, trong tập đoàn về đạo đức kinh doanh, về trách nhiệm sẻ chia cùng xã hội, kiên định thực thi văn hóa doanh nghiệp, để từ nền tảng vững chắc ấy tạo dựng sự lớn mạnh bền vững qua nhiều thế hệ của Tập đoàn IPPG.