Chìa khóa mở kho báu di sản

Việc ứng dụng công nghệ số trong khai thác và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa ở nước ta đã và đang được triển khai rộng khắp. Ở một góc nhìn rộng mở, quá trình này còn đem lại vô vàn lợi ích lâu dài, phục vụ cho nhiều lĩnh vực và đa dạng công việc.
 Dự án số hóa chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên Huế, của Công ty VR360.
Dự án số hóa chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên Huế, của Công ty VR360.

Từ mức độ đơn giản như cung cấp hình ảnh di tích, hiện vật, trưng bày đơn lẻ trên các kênh thông tin trực tuyến cho đến tạo mô hình triển lãm trực tuyến, xây dựng ứng dụng chỉ dẫn tham quan trên điện thoại thông minh, kết hợp các mô hình tham quan thực tế ảo tại điểm di tích…, tất cả được số hóa nhằm mục đích phục vụ khách tham quan tốt hơn, chạm tới cảm xúc và nhu cầu hiểu biết của công chúng sâu sắc hơn.

Hành động một lần, sử dụng kết quả mãi mãi

Nói cách khác, như lời của anh Nguyễn Trí Dũng, đại diện cho nhóm chủ trì VR3D về tác dụng lâu dài của việc số hóa di tích: “Số hóa một lần, dùng mãi mãi, đem lại lợi ích cho mọi ngành, mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi”.

VR3D từ 15 năm qua đã lặng lẽ tự bỏ kinh phí đầu tư thiết bị và thời gian để tiến hành số hóa một số không gian di tích bên cạnh các hiện vật đơn lẻ. Theo anh Dũng, đây là công việc mà gia đình anh quyết tâm theo đuổi. Toàn bộ kết quả số hóa đều được phổ biến hoàn toàn miễn phí truy cập trên website: vr3d.vn. “Lượng khách truy cập lớn và đều nhất trên trang VR3D là các bạn học sinh do một số giáo viên dùng dữ liệu di sản 3D trên đó làm tài liệu tham khảo”, anh Dũng chia sẻ.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong số hóa di tích đem đến một thực tế ảo tiệm cận gần nhất với thực tế di tích, sống động từng đường nét chạm trổ điêu khắc nơi hiện vật, mầu sắc, hình hài, tỷ lệ trung thực. Tất cả lại thu gọn trên một màn hình, có thể phóng lớn, thu nhỏ từng chi tiết để quan sát kỹ hơn và nghiên cứu. Bên cạnh đó là việc số hóa các tài liệu lưu trữ về di tích. Trong tương lai, sản phẩm số hóa đóng vai trò là cứ liệu quan trọng, hỗ trợ bảo đảm độ chính xác, trung thực của hoạt động sửa chữa, trùng tu di tích.

Chìa khóa mở kho báu di sản ảnh 1

Dự án số hóa Dinh Độc Lập, Thành phố Hồ Chí Minh, của Công ty VR360.

Tiềm năng thương mại của việc số hóa trọn vẹn một di tích là điều không cần bàn cãi, nếu tính về giá trị lâu dài của việc này. Còn trước mắt, “việc thu phí để truy cập dữ liệu di sản là rất khả thi khi lượng thông tin đủ lớn, chất lượng cao và được khai thác đa ngành”, anh Dũng cho biết. Mặc dù vậy, hướng đi của VR3D vẫn là miễn phí: “Chúng tôi coi số hóa di sản vừa là sự yêu thích, vừa có phần thiêng liêng nên không muốn thỏa hiệp theo các yêu cầu chất lượng kiểu thị trường”. Nhóm của anh Dũng còn mong muốn có đủ lượng người quan tâm và gia đình họ sẵn sàng “hướng dẫn miễn phí cho mọi người cách số hóa di sản”.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các bên

Mặc dầu vậy, qua thực tế công việc số hóa di tích suốt 15 năm, anh Nguyễn Trí Dũng cũng thấy: “Từ trước đến nay, phần lớn các chủ sở hữu có quyền quản lý và khai thác di tích thường khó cảm nhận được lợi ích trực tiếp từ việc số hóa. Nơi cho rằng, xưa nay không số hóa, vẫn phát triển thì việc gì phải đầu tư, nơi thì lo rằng, việc ai cũng xem 3D tự do sẽ ảnh hưởng đến lượng vé tham quan trực tiếp”. Đây là vấn đề thuộc vào nhận thức chung về số hóa di tích, góp phần dẫn đến việc số lượng di tích trên cả nước được số hóa toàn bộ hoặc số lượng các địa phương đồng bộ việc số hóa di tích chưa cao.

Chia sẻ quan điểm của đại diện VR3D, đại diện công ty VR360 cũng cho rằng, có hai nguyên nhân chính của việc còn chưa có nhiều dự án số hóa di tích: thứ nhất là sự hạn chế về kinh phí và nguồn lực, nhiều nơi phải trông chờ vào ngân sách nhà nước ở mức độ ưu tiên; thứ hai là “nhận thức và hiểu biết về ứng dụng số hóa tại một số địa phương chưa cao, chưa đánh giá đúng về lợi ích của việc số hóa khu du lịch, bảo tàng hoặc chưa thấy được tính ứng dụng thực tế các công nghệ mới như VR, AR, 360, mô hình 3D,... Điều này khiến họ chậm tiếp cận với các giải pháp công nghệ mới”.

Chìa khóa mở kho báu di sản ảnh 2

Dự án số hóa thềm rồng Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội, của nhóm VR3D.

VR360 là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ số hóa các khu di tích, bảo tàng, công trình kiến trúc xây dựng trên toàn quốc. Qua 5 năm hoạt động, trong tổng số hơn 600 dự án số hóa của công ty, số lượng các dự án có di tích kiến trúc cổ (từ 100 năm tuổi trở lên) mà đơn vị này thực hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 5%.

Công ty là đơn vị thực hiện số hóa nhiều di tích quan trọng, có thể kể đến dự án tại lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ (tỉnh Thừa Thiên Huế), An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), chùa Cầu Hội An, Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam)… Đại diện đơn vị này cho biết, họ vẫn đang chủ động trong việc kết nối các đối tác, khách hàng hay ban quản lý khu di tích, bảo tàng thông qua nhiều kênh khác nhau để đưa ra các gợi ý, tư vấn các giải pháp phù hợp cả về tính ứng dụng, quy mô, ngân sách để giúp các đơn vị dễ dàng tiếp cận hơn với những giải pháp số của VR360.

Có thể nói, sự phát triển của công nghệ số góp phần mở ra tiềm năng khai thác và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trong hiện tại và tương lai lâu dài. Hãy thử hình dung, nếu thực hiện được việc thu thập, thống kê và dữ liệu hóa kết quả số hóa di tích trên cả nước để tiến tới lập một ngân hàng số hóa di tích (với khoảng 40 nghìn di tích ở nhiều cấp độ phân loại khác nhau) thì giá trị của ngân hàng đó sẽ lớn nhường nào.