Xuân về trên cánh ong bay

Tôi hẹn về thăm làng ông, ngôi làng giữa mênh mông biển lúa Thái Bình. Ở đây, nhà nhà đều có vườn chè xanh, có ao sâu thả cá… Và, đến những năm tháng này về quê, chỉ gặp toàn những bậc cao niên như gặp lại thẳm sâu phần hồn quê kiểng. Trẻ trai ly hương, dịp Tết nhất quây quần tụ hội. Về quê dịp này thấy đồng quê bừng lên sinh khí hội hè.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG
Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG

Với dáng người nhỏ thó, săn chắc của một lão nông tri điền, ở tuổi 80, ông vẫn hoạt bát như thuở còn xắn quần lội khắp đồng bãi huyện Đông Hưng, Thái Bình ngày đầu khoán sản. Ông bảo, cái nghiệp đồng áng nó lặn vào ông từ thủa thiếu thời, bởi mới chỉ bảy, tám tuổi ông đã ngồi trên lưng trâu véo von hát những câu thơ học thuộc trong sách giáo khoa, lớn lên một chút, 11, 12 tuổi ông đã biết cày bừa như người lớn. Những ngày đồng quê vào tổ đổi công rồi lên HTX thì sáng tới trường, chiều buông cặp sách là ông đã phải ra đồng vật lộn với đất đai đồng bãi, với con cá, con tôm. Sau này thành kỹ sư nông nghiệp, một đời gắn với đất nên bây giờ, chỉ nhìn màu đất ông cũng có thể biết rõ về độ mặn, độ chua, độ phì, về mức độ thích hợp để có thể trồng cây gì đặng có thể thành công hay thất bại.

Sau ngày học xong cấp III, ông mặc nhiên trở thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Đầu năm 1962, ông tham gia đội thanh niên xung phong và có mặt tại công trình xây dựng đại thủy nông Nậm Rốm trên tận Điện Biên Phủ. Ông biết, chỉ có thoát ly mới mong có cơ hội học hành. Do đạt được nhiều thành tích trên công trường, cuối năm 1965 ông được gọi về học tại Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tốt nghiệp, chàng trai Đinh Thế Lịch được cử về đoàn chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp đóng tại Thái Bình. Đầu năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang thời kỳ ác liệt, chàng kỹ sư Đinh Thế Lịch tình nguyện vào bộ đội. Ông đã kinh qua những ngày nước sôi lửa bỏng tại chiến trường Quảng Trị trước khi được chuyển về tỉnh đội Thái Bình và xuất ngũ vào cuối năm 1974. Năm 1977 ông được cử giữ chức Trưởng ban Nông nghiệp huyện Đông Hưng. Năm 1978 ông giữ chức Phó Chủ tịch huyện, năm 1991 ông làm Chủ tịch huyện Đông Hưng.

Những năm đó Đông Hưng là huyện điểm toàn diện của tỉnh Thái Bình. Và cũng ở cương vị Phó Chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp rồi Chủ tịch huyện, ông suýt bị kỷ luật vì “cả gan” áp dụng ở Đông Hưng mô hình khoán sản phẩm đến hộ gia đình khi phong trào này còn đang trong giai đoạn “phá rào”. Ông đã quyết liệt làm việc này sau khi một mình đạp xe đi thăm khoán hộ tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Rất may, thời thế đổi thay, ông trụ lại được với phong trào nông nghiệp huyện mình.

Ông cũng kể, đầu năm 1988, một chiều ông đột ngột được tiếp đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương về thẳng Đông Hưng làm việc khi chưa qua cấp tỉnh. Vậy là các cấp lãnh đạo đã biết đến việc ông làm. Đoàn gồm các đồng chí: Vũ Oanh, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Nguyễn Ngọc Trìu, Bộ trưởng Nông nghiệp, Hữu Thọ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Nguyễn Thanh Bình, Thường trực Ban Bí thư… Trong buổi làm việc với đoàn, ông đã mạnh dạn đề nghị để người nông dân quản lý 70%, hợp tác xã quản lý 30% sản phẩm lao động. Đó là ý kiến mang tính cách mạng trong phân phối thành quả lao động vì nó xoay ngược 180 độ so tỷ lệ phân phối trước đây. Theo ông, chỉ có như vậy mới kích thích sản xuất và tránh nạn khê đọng sản phẩm nông nghiệp đang diễn ra ở khắp đất nước. Ở cương vị Chủ tịch huyện, ông cũng là người đặt nền móng quy hoạch và xây dựng thị trấn Đông Hưng từ lúc đề xuất chủ trương, vận động thủ tục hành chính cho đến việc tổ chức thực hiện để có một thị trấn Đông Hưng ngày nay. Ông lại bảo, cho đến bây giờ, ông và gia đình chưa bao giờ được cấp một mét đất thổ cư từ đất công hữu dù ngày đó, nếu muốn, ông đã có thể có không chỉ một vài thổ đất ở cái thị trấn mới thành lập này và ở cả TP Thái Bình ngày ông còn công tác. Ông về hưu sau bốn năm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) của tỉnh Thái Bình.

Là người ưa hoạt động, bây giờ, ở tuổi 80 ông vẫn phóng xe máy ào ào qua các ngõ ngách trong làng, vẫn hằng ngày đánh cả chục séc cầu lông cùng các thanh niên. Và quan trọng hơn, ông vẫn lao động như những ngày sung sức. Là người quảng giao, không chỉ có chân trong hội văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, nhà ông còn là địa chỉ thường xuyên lui tới của các văn nhân, nghệ sĩ khắp miền. Ông làm thơ và thơ ông khá hay, cũng vì thơ phú, những ngày còn công tác, ông đã có lần mang vạ… Năm 1986, khi bài thơ “Thị xã của tôi” của ông được đăng trên báo Văn nghệ, một vị lãnh đạo đã yêu cầu ông kiểm điểm vì tội... nói xấu Thái Bình. Ngày đó, tình trạng xây dựng không có quy hoạch, xây rồi lại phá còn khá phổ biến. Bài thơ của ông có những câu: “Thị xã lớn lên/Ngõ cứ dài theo hun hút/ Đã nhiều lần em giận hờn oán trách/Ngõ phố giống nhau, lầy lội như nhau/Nhà lụp xụp giáp tường không số/Người qua lại vẫn thường nhầm ngõ/Em hẹn ngã ba này tôi đón ngã ba kia…”, và nhất là những câu “Chúng tôi cứ xây/Cháu con chúng tôi cứ phá/Câu chuyện bao thế hệ đã quen…”.

Cũng vào năm 1988, khi hậu quả của việc quản lý kinh tế xã hội bao cấp bộc lộ rõ nhất, nạn thiếu, đói diễn ra trầm trọng trong cả nước nên bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” của nhà báo Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn nghệ làm rúng động dư luận. Tác giả Phùng Gia Lộc phải “chạy” ra Hà Nội và được nhà thơ Bế Kiến Quốc bí mật đưa về tá túc tại nhà ông đến cả tháng trời. Ông cười bảo: “Đó là một việc làm liều lĩnh!”…

Lần lữa mãi, dịp cận Tết Quý Mão này tôi cũng về được Phú La thăm ông. Làng Phú La, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng của ông, một ngôi làng thuần nông đẹp như tranh giữa đồng đất chiêm mùa đổi vụ. Chiều cuối đông, sương mù lãng đãng trong xóm ngoài làng. Năm tháng này, Phú La đã thay da đổi thịt, xóm ngõ ngay hàng thẳng lối, những ngôi nhà vĩnh cửu lấp trong không gian vườn tược rợp bóng chè xanh. Tiếp tôi, ông hóm hỉnh thông báo, ông bà vừa kỷ niệm 65 năm chung sống… Đến tận bây giờ, đôi uyên ương ngày nào giờ vào tuổi bát tuần vẫn lại như đôi chim cu tắt lửa tối đèn. Bên cốc trà xanh vườn nhà, bà cười bảo tôi: “Ông nhà tôi có tiếng là khéo chiều vợ!”. Tôi đọc trong mắt bà một niềm hạnh phúc…

Kiến thức canh nông học được khi học đại học vẫn được ông phát huy tối đa vào công việc thường ngày. Năm nay, sau mấy năm tích lũy, ông vừa mua lại được diện tích mảnh vườn do hàng xóm canh tác từ năm 1954 để làm lành khuôn viên gia thổ. Đã gần chục năm nay, ông đặt trong vườn chè hơn hai chục đõ ong. Xuân về, đàn ong xôn xao tìm mật trên tầng tầng hoa nhãn, hoa chè của cả một vùng xóm mạc. Mùa mật 2022, ông thu được gần 3 tạ. Mật ong nguyên chất hảo hạng chỉ đủ để ông phân phối cho bạn bè quen biết và cũng giúp ông thu được dăm bảy chục triệu đồng một năm.

Trong sào ao trước nhà ông đang thả có đến vài vạn con giống ốc nhồi. Ông là một kho kinh nghiệm nuôi ốc, nuôi ong, trồng lúa, trồng chè, trồng nhãn… Ông bảo, ông sẽ làm cho nghề nuôi ốc trở thành một nghề đem lại thu nhập cao cho bà con Phú La. Từ bàn trà bên cửa sổ nhà ông cựu Chủ tịch huyện Đông Hưng nhìn ra miệt vườn đầy hương hoa chè, hoa nhãn, thấy có những chú ong nâu mang nặng phấn hoa luồn qua cửa sổ. Trong rì rầm tiếng ong bay, gió thổi, nghe ông chậm rãi về công việc đồng áng tư mùa, bỗng thấy ông như hiện thân của một chú ong nâu một đời bể bắc sông nam trận mạc… bây giờ về đậu lại với làng quê tháng ngày chắt chiu mật ngọt. Thấy cuộc đời có thêm ý nghĩa từ những con người, từ những công việc âm thầm khuất lấp nơi quê kiểng nghìn đời. Thấy thêm yêu những chú ong nâu mang mùa xuân đến hẹn lại về.