Mầu mới trên rẻo cao

“Nhà em làm homestay, nhà A Kế làm rượu thóc, Thào làm rèn... Có khách là mình giới thiệu sang chứ mình không làm tất được”, ấy là lời anh Hảng A Cổn, Trưởng bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm bay trên mùa vàng ở Khau Phạ.
Trải nghiệm bay trên mùa vàng ở Khau Phạ.

“Thay da đổi thịt” cho quê hương

Năm ngoái, Cổn mới mở homestay đón khách muốn trải nghiệm cuộc sống cùng gia đình, công việc thêm tất bật. Chiều tranh thủ đi cắt bó cỏ về, dựng xe xong là đã có khách hẹn nhận phòng. Tối anh ngồi chuyện trò cùng mọi người, vừa đỡ vợ đang chăm con nhỏ. Sáng sớm, Cổn đã vội lên xe đi họp triển khai Tết cơm mới.

La Pán Tẩn có nhiều ruộng bậc thang nhất Mù Cang Chải, nhất là những ruộng “mâm xôi” tỏa ra đều và đẹp mắt, đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải khoảng 7.000ha, trong đó hơn 12% diện tích được khoanh vùng bảo vệ tập trung ở 16 thôn, bản thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

Dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so mặt biển, ruộng bậc thang La Pán Tẩn do cộng đồng người H’Mông di cư tới từ hàng trăm năm trước, cần mẫn đời nối đời, tạo nên. Những năm gần đây, du lịch tham quan ruộng bậc thang và cảnh sắc bốn mùa La Pán Tẩn nở rộ, nhiều du khách biết đến địa danh mới chỉ vài năm trước còn đi lại khó khăn. Cũng vì xa xôi nên không lạ khi những năm 1990 trở về trước, khắp vùng núi La Pán Tẩn này chỉ toàn cây thuốc phiện. Phải suốt một thời gian dài chuyển đổi từ sau khi có lệnh cấm, La Pán Tẩn mới thật sự thay da đổi thịt. Ruộng bậc thang thuốc phiện xưa đã được thay bằng lúa, ngô, cải dầu, thảo quả…

Một dạo, khách nước ngoài đến La Pán Tẩn thường mang theo lều trại, hoặc nghỉ lại ở thị trấn Mù Cang Chải hay ngoài ngã ba Kim rồi ban ngày vào ngắm cảnh trong bản, chứ ít khi vào tận đây ăn, ở. Sau đó xã đưa một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La). Từ năm 2016, xã bắt đầu có mô hình du lịch cộng đồng, song phải từ năm 2018 và đặc biệt là sau dịch Covid-19, nhiều công ty lữ hành tìm đến, dịch vụ lưu trú được mở rộng hơn, nhiều hộ đầu tư mở rộng nhà cửa để đón khách. Nhà nào làm lâu lại chỉ cho nhà mới làm. A Cổn là một trong những thanh niên được đi học ở Sơn La. Vợ anh, chị Khang Thị Cở cũng đi học một lớp nấu ăn. Vay với 10 triệu đồng, hai vợ chồng sửa chữa nhà tắm, nhà vệ sinh, sắm chăn, ga, màn, nệm. Cuối năm 2018, vợ chồng anh bắt đầu làm du lịch cộng đồng và đến nay đã đón nhiều du khách. Người dân trong xã vốn chỉ ở nhà và lên nương, nhưng từ ngày cả xã làm du lịch, ai cũng có thể đóng góp một phần trong “cộng đồng” đó vì mỗi du khách ghé qua bản là một khách hàng tiềm năng. Dịp lễ hội Ruộng bậc thang và mùa lúa chín vừa rồi, cuối tuần nào cũng kín khách đặt chỗ trước. Những ngày chớm rét, dưới chân căn nhà sàn gỗ nhỏ nằm giữa con dốc, sương lạnh quyện với nắng vàng lưng chừng núi. Không khí tràn ngập mùi hương gốc rạ, rơm khô và phân bò đang hoai. Những chùm ngô vàng rực như chùm đuốc vắt trên bờ rào và cái tay vịn cầu thang, chắc mẩy và no đủ. Bên ngoài, cơn gió xào xạc bụi dâm bụt. Dưới chân đồi, trong một căn nhà khác, tiếng hát sau bữa rượu mừng cơm mới đang theo gió bay xa.

Mầu mới trên rẻo cao ảnh 1

Chị Khang Thị Cở niềm nở đón khách.

Muốn đi xa thì đi cùng nhau

“Làm cùng mới giúp được nhau. Có lúc nhiều khách gọi mà mình hết chỗ, mình lại gọi cho nhà Dò Gù, nhà A Kim xem còn chỗ không rồi báo khách gọi sang đấy. Mỗi nhà một việc, khách muốn tham quan ruộng bậc thang mình cũng chỉ chỗ mua vé và khuyên họ gọi đội xe ôm vừa hướng dẫn du lịch, vừa chở tới tận nơi”, A Cổn nói rồi chỉ tay vào căn nhà sàn nhỏ của anh, bảo: “Chỗ này của mình chỉ đón được 12 người. Mình cũng phải hỏi kỹ khách có thích trải nghiệm thế này không, hay thích ở hiện đại thì mình sẽ gọi giúp cho nơi khác”.

Trong số những người trẻ đã mạnh dạn thử nghiệm thành công có vợ chồng Giàng A Dê và Vàng Thị Ly, cặp vợ chồng người H’Mông đầu tiên của xã mở homestay. Năm 2017, A Dê nghỉ công việc có mức thu nhập khá cao ở Viettel lúc bấy giờ và bàn với vợ vay vốn mở homestay Hello Mù Cang Chải. Nay anh đã “tay trắng làm nên đống nợ nần” - theo cách nói vui của A Dê. Sau hai năm dịch, doanh nghiệp nhỏ của A Dê đang lấy lại “phong độ”, tiếp tục mở rộng phòng nghỉ, thêm các dịch vụ ăn uống và kết hợp các thanh niên khác phát triển nhiều sáng tạo. Thí dụ như “đội xe ôm” hướng dẫn viên, có thể chở du khách tới các điểm ngắm cảnh đẹp mà địa hình khó đi. Hoặc trong mùa hè, họ ra mắt hoạt động trải nghiệm khám phá ruộng bậc thang bằng xe ATV, cũng rất hút khách.

Tháng 9/2022, La Pán Tẩn có thêm Hợp tác xã Du lịch đồi Mâm xôi La Pán Tẩn, gồm 9 thành viên. Trước đó, xã cũng đã có Hợp tác xã Du lịch cộng đồng, vừa phát triển dịch vụ, vừa xây dựng làng văn hóa cộng đồng và bảo tồn phát triển cảnh quan đồi Mâm xôi. Mỗi mùa mỗi cảnh, mùa xuân hoa tớ dày (đào rừng) nở rộ, đầu đông mùa hoa sơn tra trắng rừng, rồi mùa nước đổ liêu trai, mùa lúa non mơn mởn, mùa gặt rộn ràng, cảnh sắc vùng cao cứ quyến luyến người đi, mời gọi người tới.

“Cây hoa đào nhỏ trước sân nhà nở hoa rồi”, A Cổn nhắn tin báo sắp tới, lần đầu tiên xã tổ chức Lễ hội hoa Tớ dày, chắc sẽ đông vui, nhộn nhịp lắm. 10 năm trước, đặt chân đến nơi đây còn hoang sơ, thưa thớt. 10 năm sau, không còn bóng những đứa trẻ H’Mông chân trần, áo mỏng ngồi thẩn thơ trong cái lạnh. Nay chúng đang chạy nhảy nô đùa trong sân trường ruộm nắng.