Đến thăm trụ sở của Hội ở số nhà 16 trên con phố nhỏ Petit Musc thuộc quận 4 của Paris, nhiều người rất ngạc nhiên thấy có bức chân dung thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị cháy xém một góc, vẫn được treo trang trọng trên bàn thờ của Người.
Với kiều bào ở Pháp, đây là bức chân dung đẹp, ý nghĩa nhất cả về nghệ thuật và lịch sử vì gắn liền với phong trào yêu nước tại Pháp. Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết, nhân dịp khai trương Trụ sở của Hội vào năm 1971, đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, đến chúc mừng Hội và trao tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - món quà vô cùng ý nghĩa đối với kiều bào và mọi người thường gọi là “Chân dung Bác Hồ”.
Cũng từ năm 1971, Trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở phố Petit Musc, do kiều bào góp tiền mua và cải tạo, là nơi hội tụ chính thức của những người Việt một lòng hướng về đất nước. Không chỉ là nơi hội họp và tổ chức các hoạt động vì Việt Nam thân yêu, ở đó còn có bức chân dung Bác Hồ, người sáng lập Nhóm người An Nam yêu nước vào năm 1919 (tên của Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp và là tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay).
Cũng vì lý do đó, đây là mục tiêu tấn công của các đối tượng ủng hộ chính quyền Sài Gòn. Lần đầu xảy ra vào rạng sáng ngày 30/4/1975 (giờ Pháp) khi miền Nam được giải phóng. Cánh cổng kiên cố của trụ sở Hội bị phá tung, nhiều nơi bên trong bị hư hại nhưng rất may bức chân dung còn nguyên vẹn. Lần thứ hai vào gần trưa ngày 14/2/1980 khi Hội lại bị các đối tượng thù ghét “một Việt Nam thống nhất” đốt phá. Báo chí Pháp khi đó có đưa tin, các đối tượng phát-xít đã tấn công trụ sở của những người Việt yêu nước. Một số đối tượng xông vào ném chất gây cháy và đánh bị thương bác Nguyễn Công Hoán, một thành viên của Hội Công nhân, được giao nhiệm vụ trực ở trụ sở. Không quản gian nguy, bác Hoán đã cố gắng dập lửa cháy lan nhiều khu vực và bén lên cả bức chân dung. Sau đó, một số thành viên của Hội, rồi cảnh sát và lính cứu hỏa đã can thiệp kịp thời. Ban lãnh đạo Hội qua nhiều nhiệm kỳ đều thống nhất giữ nguyên trạng, coi đó là một minh chứng sống động về lòng yêu nước, tôn kính vị lãnh tụ vĩ đại của người dân Việt Nam, trong đó có kiều bào tại Pháp. Qua nhiều năm tháng, bức tranh vẫn sắc nét và giữ được mầu sắc như hồi ban đầu, là nguồn động viên to lớn để bà con người Việt nơi trời xa nêu cao tinh thần yêu nước, không quản ngại khó khăn, gian nguy hướng về đất nước lúc còn chiến tranh và trong công cuộc tái thiết và phát triển sau này.
Ông Nguyễn Văn Bổn nhớ lại: Hiệp định Paris cũng đánh dấu một giai đoạn nổi bật trong phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt tại Pháp, hết lòng đoàn kết và hướng về đất nước. Bác Hồ, hiện thân của lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, đã luôn ở bên cạnh để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho kiều bào về một ngày “Bắc Nam sum họp”. Người đã để lại một di sản vô giá, đó là ý chí không gì lay chuyển được: độc lập và thống nhất đất nước. Vì lẽ đó, kiều bào ở Pháp đã làm hết sức mình để bảo vệ hình ảnh thiêng liêng của vị cha già dân tộc.
Hằng năm, cứ đến Ngày sinh của Bác Hồ, Quốc khánh 2/9 hay vào dịp Tết, Hội người Việt Nam tại Pháp và các bậc cao niên trong Hội Công nhân cùng con cháu của cộng đồng người Việt đến đây thắp hương tưởng nhớ tới Người và nhắc nhở nhau tiếp tục truyền thống yêu nước, nhớ ơn Bác Hồ và hướng về quê hương. Mỗi khi có bạn bè Pháp và quốc tế tới thăm trụ sở của Hội, câu chuyện về bức chân dung Bác Hồ lại được kể lại đầy tự hào.