Thành công trong nguy khó

Hai năm dịch, bà Mai đã ủng hộ mấy trăm tấn rau cải dưa cho đồng bào vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Cô giáo Nga ở Nghệ An khởi nghiệp từ sở thích ăn sữa chua với băn khoăn: Sao người ta không làm sữa chua mà không cần chất bảo quản thực phẩm? Khởi nghiệp đúng vào thời điểm Covid-19 hoành hành, Bùi Trọng Lịch đã từng bước khẳng định con đường đã chọn.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Bùi Trọng Lịch (bên phải) luôn trực tiếp kiểm tra quy trình nuôi cấy tại xưởng. Ảnh: NVCC
Giám đốc Bùi Trọng Lịch (bên phải) luôn trực tiếp kiểm tra quy trình nuôi cấy tại xưởng. Ảnh: NVCC

Bà đỡ vùng rau

Về vùng rau Đơn Dương và Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, nghe bà con nhắc nhiều đến cái tên Mai La cải dưa. Tôi tò mò hỏi một chị đang lúi húi trên cánh đồng rau - Chú cứ đi dạo đồng rau là thế nào cũng gặp, ngày nào bà ấy cũng ra đấy! Bà ấy có công lớn với cánh đồng rau này… Hết nửa cánh đồng thì gặp một phụ nữ trạc lục tuần, dáng người mập mạp, đầu đội nón lá, tóc cắt ngắn, chân đi đất, quần xắn móng lợn, trông rất phúc hậu, đang lội trong những luống rau.

- Tôi ở Hà Đông bây giờ là Hà Nội đấy, nhưng vào đây sinh sống mấy chục năm rồi chú ạ! Bà Mai mời tôi vào cái lán chỗ bà con nghỉ ngơi lúc làm đồng - Tôi làm rau với bà con hơn hai chục năm rồi. Ngày trước, đất rộng nhưng bà con ít vốn, khi thu hoạch lại không có nơi bán nên làm ra nhiều cũng không bán được, có bán thì cũng phập phù và giá rẻ lắm. Nên có khi vụ này trồng vụ sau lại bỏ. Thế là tôi bàn với chồng, chồng tôi tên La nên mọi người thường gọi cả tên chồng, chúng tôi cam kết bỏ vốn ra cho bà con ứng để mua giống, phân bón, dụng cụ tưới tiêu, thuốc trừ sâu, trừ cỏ… rồi mua sản phẩm cho bà con.

Cả một vùng rau rộng lớn thế này thì phải có những thị trường tiêu thụ lớn và ổn định. Thế là vợ Mai La khăn gói đi thăm dò từ TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Lúc đầu thì đắn đo cân nhắc và chỉ ký hợp đồng ngắn hạn với số lượng ít. Sau vài lần nhập về, các thị trường đều tiêu thụ tốt, nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, thế là hợp đồng cung cấp cứ nâng dần

số lượng. Có điều, người nông dân thì không phải ai cũng dư dả, giàu có, nên cũng phải linh hoạt. Bà Mai kể: Có người rau mới trồng chưa đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình có công to việc lớn như làm nhà, xin việc cho con hoặc cưới hỏi… mà cần bán non cả ruộng rau thì mình cũng phải mua, rồi mình lại thuê nhân công chăm bón để thu hoạch. Rồi khi bị mưa bão, ngập nước, sâu bệnh rau hỏng hoặc ứ lại, mình cũng phải mua hoặc lấy cớ mua để hỗ trợ bà con. Như hai năm dịch Covid-19, có những đợt cao điểm giãn cách, nhưng mình vẫn phải mua hết rau cho bà con, không bán được thì chở đi ủng hộ đồng bào vùng dịch.

Là vùng rau lớn hàng nghìn ha. Tính ra mỗi năm bà bao tiêu và cung cấp cho thị trường cả chục nghìn tấn rau. Hiện nay, bà còn hướng cho hai người con làm rau, cả gia đình mỗi ngày thu mua và cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn rau cải dưa.

Thương hiệu sữa chua TN của cô giáo dạy văn

Khi biết Ngô Thúy Nga quyết tâm làm sữa chua, nhiều người khuyên cô cứ làm cô giáo dạy văn THPT là tốt rồi. Nhưng năm 2017, Nga dồn hết vốn liếng và vay thêm bạn bè, mở một xưởng làm sữa chua không chất bảo quản thực phẩm, không dùng sinh phẩm hương liệu. Ban đầu chỉ với 5-6 công nhân và mấy cái tủ lạnh, tủ đông cùng một ít dụng cụ pha chế và dụng cụ đo kiểm. Mẻ sữa chua đầu tiên ra lò thành công, Nga mừng phát khóc, cô khao hết cho những người làm. Những mẻ sau, Nga đưa ra thị trường thăm dò, hồi hộp chờ phản hồi. Tất cả đều đánh giá cao, đơn đặt hàng gửi về tới tấp. Sản phẩm làm ra không đủ.

Khó khăn nhất là sản phẩm không chất bảo quản thì không thể để lâu quá bảy ngày. Nga đã không ít lần rơi nước mắt vì phải đổ bỏ đi những thùng sản phẩm quá hạn. Cô theo học các lớp ngắn hạn về kinh doanh, quản lý, chế biến thực phẩm, sức khỏe, marketing và phát triển thị trường… Rồi không quảng bá rầm rộ, không áp dụng những tiểu xảo cạnh tranh, nhưng chỉ trong hơn một năm, sữa chua TN đã lan tỏa. Nga đã xây dựng hệ thống đại lý phân phối vươn ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh phía bắc với phương châm “một thùng cũng chuyển, một hộp cũng mang”. Hiện nay TN đã có sữa chua nha đam, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trắng, sữa chua tảo xoắn, sữa chua chanh dây, sữa chua đậu xanh… và mới nhất là nước nha đam nấu lá dứa. Từ doanh thu năm đầu tiên chỉ 500 triệu đồng, đến nay với sữa chua TN và các sản phẩm khác của Nga đã đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Đang đà thuận lợi thì Covid-19 ập đến. Nga tâm sự: Lúc đầu em cũng choáng váng, sản phẩm ứ đọng, nhiều đợt giãn cách tưởng phải ngừng hoạt động. Nhưng thật may, sữa chua được xem là thực phẩm thiết yếu hỗ trợ sức khỏe nên vẫn được phép cung cấp cho thị trường trong giãn cách. Dù sản xuất thu hẹp, giảm số lao động, nhưng em vẫn cố gắng trả lương và bảo đảm các chế độ cho người lao động. Đến nay thì tất cả đã ổn định, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường không bị đứt gãy.

Khởi nghiệp trong đại dịch

Tốt nghiệp ngành sinh hóa, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bùi Trọng Lịch vào làm tại Viện Công nghệ ứng dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2011, Lịch cùng một số bạn bè tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm và thương hiệu cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy đối lưu của hãng Nam Hufi. Năm 2019, Lịch lập riêng công ty DNA thương mại để phân phối độc quyền nấm đông trùng hạ thảo tại miền bắc với thương hiệu Nam Hufi.

Chưa được bao lâu thì đại dịch bùng phát, phải dừng hoạt động tới tháng 7/2020. Thời gian này Lịch tiến hành phân tích sâu về thị trường và đặt vấn đề hợp tác cùng Viện Ứng dụng công nghệ để có được phôi giống và quy trình nhằm sản xuất các sản phẩm có dược tính cao. DNA đã tạo ra giống của dòng nấm đông trùng hạ thảo thành công.

Tháng 8/2020, lúc này yêu cầu của Nam Hufi sản xuất theo giống và quy trình của DNA cung cấp, sử dụng sấy thăng hoa, chiếu xạ và đóng gói thành sản phẩm mang thương hiệu Heligrass. Tháng 11/2020, Heligrass ra mắt hai dòng sản phẩm sấy thăng hoa Heligrass Nutrition và Heligrass Medi. Tưởng đã thuận lợi thì năm 2021, sản phẩm phải thu hồi hàng loạt vì độ ẩm cao, không bảo đảm. Thế là phải chuyển sang đóng gói tại Nhà máy dược Elipha. Chính thời điểm này, doanh nghiệp lại gặp vô vàn khó khăn vì Covid-19 bùng phát mạnh.

Nhưng chính trong khó khăn lại có cái may. Đó là ngay khi sản phẩm được chuẩn hóa, các đối tác phân phối, các đại lý rất ưng mẫu mới. Cùng lúc đó thông tin cordicepin vừa được FDA cho thử nghiệm lâm sàng làm thuốc điều trị Covid-19 được truyền thông chuyển tải nhanh chóng, yêu cầu đặt hàng tăng lên đột biến.

Dịch bùng phát ở Hà Nội, giãn cách dài ngày không thể sản xuất, công ty đã tổ chức những đợt thiện nguyện bằng chính sản phẩm của mình. Mỗi ngày, hàng nghìn cốc đông trùng hạ thảo được đưa tới ủng hộ Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, khu điều trị tập trung của Bệnh viện Đống Đa, các chốt phòng dịch.

Cuối năm 2021, Heligrass xây dựng xưởng trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo, được Nacentech chuyển giao hoàn toàn hướng dẫn xây dựng, các thiết bị và công nghệ cùng các giống. Giống TL chính là viết tắt của cái tên Trọng Lịch, ghi dấu hơn một năm hợp tác phát triển của hai bên. Sản phẩm cho hàm lượng dược chất lên tới 12mg/g theo kết quả lô sản xuất thử nghiệm.

Tháng 10/2022, mẻ sản xuất chính thức của nhà xưởng đã được thu hoạch. Hàm lượng cordicepin cao nhất đo được là 15,7mg/g. Hiện nay doanh nghiệp của Lịch đã có hai sản phẩm chính là: Hai dòng nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa (Heligrass Nutrition và Heligrass Medi) và mật ong ĐTHT Heligrass Oligo.