Dịch bệnh nhắc ta làm việc gấp đôi

Có một Việt Yên không ngủ đang lấp lánh đèn mà nếu lên nóc nhà cao hoặc lên hẳn mấy quả núi trong khu vực mới thấy hắt lên một vùng sáng nối về tận phía sông Cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: LÊ DANH LAM
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: LÊ DANH LAM

Một Việt Yên không ngủ

Các bạn ăn tối với tôi nhé! - anh Lượng, Chủ tịch UBND huyện kết thúc cuộc họp chiều bên HĐND, lấy ra mấy phong lương khô với ít cam, lúc nữa 7 giờ tối lại có cuộc họp khác. Đợt vừa rồi, giải quyết đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục cho các nhà đầu tư, nhà thầu phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN)... Nhiều việc quá, thời gian mỗi ngày không đủ.

Trên con đường chúng tôi đến trụ sở huyện nơi vẫn còn đèn một số phòng, ban làm việc tiếp, trời chuyển tối kịp sáng lên với đèn cao tốc, đèn cầu vượt, đèn đường dân sinh tỏa sang các khu công nghiệp, đèn các công ty, xí nghiệp làm nốt ca chiều để sang một ca đêm. Rồi đèn các khu dân cư cho công nhân thuê trọ, đèn chợ đêm và các cửa hàng phục vụ người lao động cũng bật sáng phụ họa cho những con đường vẫn tấp nập. Những chuỗi xe máy, ô-tô chở công nhân rời và đến công ty. Những nhóm xe lấp lóa ra chợ, tìm các khu mua sắm.

Giờ này, anh Nguyễn Hữu Thành ở thôn Vân Cốc, xã Vân Trung đang cơm nước, chuẩn bị 22 giờ vào ca tối một công ty linh kiện ô-tô của Nhật Bản tại KCN Đình Trám. Làm bộ phận kho ở đây đã gần chục năm, là người Vân Cốc nên rất tiện trong sinh hoạt, chị của Thành cũng làm bên kiểm hàng, còn có cả các anh chị con nhà ông bác nữa, thấy làm ổn cũng theo nhau vào. Đợt Covid-19 bất ngờ “rơi” trúng Bắc Giang, chỗ Thành dừng hai tuần rồi sản xuất tiếp ngay. Công nhân ở luôn trong công ty hơn tháng, nào người quê Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai..., rồi người Việt Yên, Yên Dũng quanh đây, bốn, năm trăm người, không có sự cố gì, năng suất vẫn đều. “Ở trong các công-ten-nơ đặt giữa sân bóng, có điều hòa, WC di động. Được tăng cường đường, sữa nên béo ra, ăn cũng tốt hơn”, Thành cười.

Cả năm nay, việc của Thành vẫn ổn. Trong tình hình mà công nhân rất nhiều nơi bớt việc, mất việc, phải nghỉ hay nhảy việc, Thành muốn tiếp tục gắn bó với chỗ này. “Từ đợt dịch đến giờ, ý thức làm việc, thái độ ứng xử giữa mọi người với nhau thêm tốt hơn. Không khí khá thoải mái”, Thành cho biết. Chúng tôi nghĩ đến Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng khi anh Lượng nói vui một ý, tháng 4 và 5/2021, ở nơi “tâm của tâm dịch”, chúng tôi đã nỗ lực gấp đôi, rồi hình như cứ theo cái đà đó đến giờ, không dừng được!

Chủ động gây sức ép cho… mình

“Càng khó khăn, áp lực thì sẽ có càng nhiều sáng kiến, quyết tâm”, đó là khí thế ở nhiều bộ phận trong tổng thể các hệ thống, đơn vị ở huyện được coi là đầu tàu công nghiệp của Bắc Giang này. Việt Yên đang có bốn KCN, ba khu Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu đã hoạt động và lấp đầy với gần 200 nghìn công nhân. Hồi Covid-19, vẫn còn đến 80 nghìn người vừa sản xuất vừa chống dịch. Và nay, khi ở không ít tỉnh, thành phố, các KCN gặp khó thì KCN Việt Hàn giai đoạn I đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong, sắp bàn giao cho nhà đầu tư; KCN Quang Châu đang chuẩn bị “nâng mình lên” theo Quyết định 1320/QĐ-TTg ngày 4/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang. Theo đó, tổng quy mô diện tích KCN sẽ được nâng từ 426 lên 516ha. Mà theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, hiện 426ha đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp với 37 dự án FDI, bốn dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 67 nghìn lao động.

Ông Tâm đã gần 20 năm đồng hành phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất KCN tại Bắc Giang, đang tiếp tục góp sức mở rộng khu Quang Châu, ông chắc chắn hiểu nếu so dân số Việt Yên đến nay khoảng 220 nghìn người thì càng thấy gần

200 nghìn công nhân tập kết trong khu vực lớn thế nào. Trong đó gồm cả rất đông người sở tại và trong tỉnh, nhờ phát triển KCN mà có công ăn việc làm; thêm rất nhiều lao động từ các tỉnh chung quanh, từ trung du, miền núi phía bắc tìm đến nữa. Trọ ở thôn Vân Trung, bạn trẻ người Nùng Sin Văn Đại quê huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết: “Trên đó ít KCN, các bạn rủ em xuống đây từ 2020”. Được vào kiểm hàng trong một công ty linh kiện của Trung Quốc tại KCN Vân Trung, Sin mỗi ngày đi về chỉ gần 4km, rất tiện vì đường nhựa rộng rãi. Sau dịch, hàng bán nhiều hơn, có tăng ca và phụ thu, Sin cũng được 9-10 triệu đồng/tháng, tầm này có vãn chút, lương giảm nhưng vẫn lo được cho bản thân, thỉnh thoảng vẫn gửi được tiền cho mẹ dù chưa nhiều. Còn Hoàng Văn Thương (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), 22 tuổi, mới xuống làm việc ở một công ty sản phẩm điện tử Singapore được năm tháng nhưng sớm được quản lý nhóm sản xuất, “chắc do em cũng nhanh nhẹn, chịu để ý, học hỏi” - Thương tự tin. Nuôi sức thanh niên thì lương vẫn hơi thiếu, lâu lâu mới gửi được về nhà một chút, nhưng cũng là ổn rồi, chứ chị của Thương đi công nhân trong nam, làm đến Tết dương lịch là về quê vì hết việc. “Em còn trẻ nên cũng muốn tranh thủ làm cho nhiều. Chắc em sẽ xin ở lại làm xuyên Tết”, Thương tâm sự.

Trong dịch, Việt Yên chủ trương “sức khỏe, đời sống người dân là trên hết, trước hết”, nhưng vẫn góp phần đưa tỉnh vào nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng năm 2021. Sau Covid-19, gần hết 2022, huyện đã đủ tiêu chuẩn lên thị xã trước đích dự kiến 2025, giờ chỉ chờ thủ tục công nhận và sẽ sẵn sàng đến 2026 với mục tiêu là thành phố công nghiệp-dịch vụ. Nhưng ngoài những giấc mơ đã khởi động từ bây giờ cho đô thị thân thiện, thêm vùng xanh, lo hạ tầng KCN, giao thông liên vùng, hệ thống nhà ở xã hội, dịch vụ nhà thuê, giữ an ninh, phát triển văn hóa, xã hội cho hàng trăm nghìn công nhân, chúng tôi lại nhớ nhiều hơn đến băn khoăn của Chủ tịch huyện. Đấy là Việt Yên còn khoảng 6.500ha đất nông nghiệp và hàng nghìn lao động nông thôn. Sẽ phải chuyển đổi cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại với quy mô lớn, chất lượng cao. Đó sẽ là chìa khóa giải quyết được cơ bản lao động trên địa bàn huyện, nhất là lao động “hậu công nghiệp gia công”, từ 35-40 tuổi trở lên. Ý của anh Lượng cũng là tâm tư chung từ chính những ngày căng thẳng hồi dịch bệnh, khi Việt Yên tâm niệm cùng cả nước, làm sao cho không ai bị bỏ lại phía sau.

Chuẩn bị thiết lập hệ thống an ninh điện tử với 350 camera an ninh tại các khu, cụm công nghiệp và khuyến khích người dân lắp đặt. Tiến tới thí điểm quản lý các khu nhà trọ bằng hệ thống sinh trắc học và kiểm soát thông minh bằng AI để nhận diện người lưu trú, người ra vào… Đó là một số trong nhiều giải pháp cụ thể sắp áp dụng ở Việt Yên.