Rời quê lập nên làng tỷ phú

Nhìn những nếp nhà khang trang giữa các vườn cà-phê xanh mướt mải, tôi vẫn ngờ ngợ… không phải Làng Thanh niên Ẳng Nưa mà tôi từng biết qua nhiều trang báo. Anh cán bộ phòng nông nghiệp huyện Mường Ảng (Điện Biên) liền nói: “Vẫn tên làng nhưng người trong làng đều là tỷ phú. Bà con thường nói vui rằng, đã đến lúc đổi tên thành Làng tỷ phú Ẳng Nưa rồi…!”.
0:00 / 0:00
0:00
Cây cà-phê gắn đời với anh Lầu Chồng Lử và lớp thanh niên đầu tiên về Ẳng Nưa.
Cây cà-phê gắn đời với anh Lầu Chồng Lử và lớp thanh niên đầu tiên về Ẳng Nưa.

Thương người về hay chính mình…

Tiếp lời anh Kiều Xuân Hoàng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, anh Lầu Chồng Lử khẽ nói: “Ngày xưa về lập làng, chúng tôi là nông dân tay trắng. Cơ ngơi hôm nay là thành quả suốt hai chục năm trời, vì chúng tôi không phải tỷ phú về làng như nơi khác”.

Anh Lử cẩn thận rót thêm nước vào từng ly cà-phê trên bàn. Hít một hơi thật sâu, anh chỉ về ly cà-phê trước mặt và kể về sự gắn bó với cây cà-phê ở làng. Tròn 25 năm, anh đã thuộc từng chu kỳ sinh trưởng của cây trong từng kiểu thời tiết; nhắm mắt lại, anh vẫn phân biệt được hương hoa cà-phê giữa trăm loài hoa khác, nhưng có điều anh Lử… không uống được cà-phê vì mất ngủ. Thế nhưng mỗi tối trước khi đi ngủ, anh Lử đều tự pha một ly cà-phê để hít hà cái mùi hương thức tỉnh, ám ảnh, nó khiến anh nhớ về những ngày xưa…

Ngày đó, một ngày trung tuần tháng 4/1998, từ bản Hua Sa A, B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có 12 gia đình người dân tộc H’Mông dắt díu nhau về vùng đất mới theo chương trình đưa thanh niên đi lập nghiệp do Tỉnh đoàn Lai Châu (nay là Tỉnh đoàn Điện Biên) triển khai. Tài sản các gia đình đem theo chả có gì đáng giá ngoài con dao quắm và mấy cái nồi. Được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, sự đùm bọc thương yêu của người địa phương, 12 gia đình H’Mông có nơi ở tạm gần hai tháng. Sau rồi họ thấy không thể ở nhờ được mãi nên đã góp sức cùng nhau làm nhà tạm. Còn cái ăn thì nhà nào nhà ấy đều trông vào tiền đi làm thuê mỗi ngày, vì cây ngô, cây sắn mới trồng phải đủ ngày mới thành củ.

Cứ thế, ngày này qua ngày khác, ròng rã hơn 5 tháng, gần 60 con người sống cảnh trông mong mùa thu ngô, để rồi đợi mong bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Đất mới cằn cỗi, cây đã không đủ sức nuôi bắp, nuôi hạt. Cái đói ập về. Các gia đình cử người về quê cũ xin anh em thêm ít ngô, ít gạo sống qua ngày… “Anh Tủa, cán bộ Tỉnh đoàn đã kêu gọi hỗ trợ lương thực cho bà con. Ngày cuối tuần, anh Tủa cùng các đoàn viên về hỗ trợ bà con làm đất trồng ngô, mùa ngô còn về thu ngô giúp. Vậy nên, dù xa quê với rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn ấm lòng”, anh Lầu Chồng Lử khẽ nói thêm như thế.

Ba năm sau, khi cây cà-phê vào đoạn sinh trưởng tốt thì sương muối tràn về. Hàng chục ha cà-phê đương xanh thẫm chuyển mầu vàng úa. Lá rụng đầy gốc. Cây trơ cành. Vật vã bên nương cà-phê liền mấy ngày, nước mắt cũng cạn khô, bảy trong số 12 gia đình lại dắt díu về quê cũ. Người ở tiễn người về mà nước mắt giàn giụa, tâm trạng trống rỗng vì ngay khi ấy những người ở lại là anh Lử, anh Mua, anh Tòng, anh Lếnh đều không hiểu, mình đang khóc cho người về hay cho chính mình…

Hạt đắng nở đời xanh

Dựa vào nhau ở lại, dựa vào nhau vượt cơn đói ngày thường. Suốt mấy năm liền người dân địa phương đều thấy cảnh năm gia đình H’Mông ở Làng Thanh niên miệt mài trên các vườn cà-phê, vun từng gốc, dẫn nước về tưới từng hàng cây. Rồi cây như thấu lòng người nên xanh trở lại. Hai năm sau, cây đua nhau đơm bông kết trái khiến những người ở làng khóc mấy ngày liền… Anh Lầu Vả Mua kể: Năm 2004, quả chín đỏ rực khắp các vườn. Cà-phê năm đó được mùa được giá, ngày ngày cân quả bán cho tư thương xong, bà nhà tôi lại ôm hai đứa nhỏ rồi khóc. “Đó là lần đầu sau sáu năm xa quê, người nông dân bỏ núi về thung để trồng cà-phê mới được khóc vì vui sướng”, giọng anh Mua chùng xuống.

Thêm mấy mùa thu hái, cuộc sống sang trang mới. Không còn phải lo cái ăn, cái mặc. Cũng không còn phải ăn hôm nay lo những ngày sau bởi mỗi năm, mỗi gia đình thu hàng trăm triệu đồng tiền bán quả. Tiếng lành đồn xa, cuộc sống mới của người nông dân ở làng thêm sức hút khiến người từ Tỏa Tình, Pú Nhung lại nườm nượp đổ về tìm mua đất trồng cây ra hạt đắng. Trong dòng người ấy, có các gia đình đã bỏ làng trở lại cố quê.

Hôm nay, 25 năm đã đi qua, các chàng thanh niên như anh Lử, anh Tòng, anh Mua, anh Lếnh… đã sang tuổi ngũ tuần. Tóc chuyển mầu sương, da thêm đồi mồi, sạm đen vì nắng gió nhưng đổi lại là nụ cười luôn rạng rỡ. Anh Mùa A Tòng, một trong những tỷ phú tiêu biểu ở Làng Thanh niên Ẳng Nưa khoe: Giờ con, cháu chúng tôi mới là thanh niên, chứ thế hệ chúng tôi tóc bạc, lưng còng nhiều lắm rồi! Vậy nhưng, thực lòng mà nói thì chúng tôi vui lắm mỗi khi nghe mọi người gọi chúng tôi bằng cái tên “Thanh niên lập nghiệp”. Thẳm sâu trong suy nghĩ, tên gọi “Thanh niên lập nghiệp” hay “Làng Thanh niên Ẳng Nưa” mãi là cái tên thắp lửa thời thanh xuân khi chúng tôi quyết định rời quê. Mấy chục năm qua với biết bao gian truân, khốn khó, chúng tôi vẫn sống với niềm tin mãnh liệt “có sức trẻ xây làng sẽ đổi thay”.

Nói thêm về đóng góp xây dựng làng hôm nay, ông Lù Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa khẳng định: Các tấm gương như anh Lử, anh Tòng, anh Mua… còn là điển hình làm kinh tế giỏi trong toàn huyện. Dưới chân đèo Tằng Quái, người Mường Ảng vẫn nói với nhau về Làng Thanh niên lập nghiệp đã vượt lên từ hai bàn tay trắng. Câu chuyện về làng và chuyện về cuộc đời họ đẹp đẽ, trắng trong như hoa cà-phê - loài cây mà họ đã sống đời với nó.

Từ 26ha cà-phê ban đầu do thanh niên ở Làng Thanh niên lập nghiệp Ẳng Nưa trồng năm 1998, đến nay toàn xã có 829ha cà-phê đang cho thu hoạch. Ẳng Nưa là xã đầu tiên trong huyện Mường Ảng đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 10/2016.