Chỗ dựa tinh thần của cộng đồng xa quê

“Người Việt đi nước ngoài, ở đâu cũng thế. Để ổn định, phát triển, phải nỗ lực gấp hai, gấp ba người bản địa. Cuộc sống vất vả nên cần chỗ dựa. Quê hương chính là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho họ”, ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nga phấn khởi bắt đầu câu chuyện.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đỗ Xuân Hoàng phát biểu ý kiến tại Lễ bế mạc giải bóng đá cộng đồng người Việt tại Nga năm 2022.
Ông Đỗ Xuân Hoàng phát biểu ý kiến tại Lễ bế mạc giải bóng đá cộng đồng người Việt tại Nga năm 2022.

Dịch Covid-19 với người Việt ở Nga như đã là quá khứ. Nhưng nỗi đau thì đâu đó vẫn còn len lỏi. Sự nguy hiểm của Covid-19 khắp nơi là như nhau. Nên khi Việt Nam bước vào trận chiến, người Việt tại Nga lo lắng, bất an. Nguồn lực, ngân sách, hệ thống y tế Việt Nam còn hạn chế. Nếu không thể đối phó dịch bệnh, hoặc để virus lây lan mất kiểm soát, hậu quả sẽ vô cùng đáng sợ. Nhưng may mắn là thế giới có những biện pháp đối phó hiệu quả. Việt Nam cũng mau chóng bắt nhịp những tiến bộ đó.

“Việt Nam vượt qua Covid-19 ngoạn mục, anh có bất ngờ không?”, tôi hỏi ông Đỗ Xuân Hoàng. Ông trầm ngâm một lúc: “Có bất ngờ. Đúng hơn là tôi và người Việt ở Nga vui mừng, xen chút tự hào. Tự hào vì Việt Nam còn nhiều hạn chế về khoa học kỹ thuật, mức độ phát triển nhiều lĩnh vực chưa bằng các nước phương Tây, nhưng kết quả chống dịch không thua kém họ”.

Việt Nam đã viết nên một câu chuyện diệu kỳ không chỉ chống dịch hiệu quả, mà còn khẩn trương phục hồi kinh tế và bắt nhịp những đòi hỏi thời cuộc, vươn lên mạnh mẽ. Với Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga, những thành quả đó chứng tỏ nội lực nền kinh tế đủ sức chống chọi những biến cố chưa từng xảy ra với quy mô phức tạp khó lường.

Sang Nga năm 18 tuổi, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế quốc tế, ông Hoàng đạt nhiều thành công trong ngành thực phẩm, sở hữu nhiều công ty cả ở Nga, Việt Nam và nước ngoài. Nặng lòng với quê hương, ông vui mừng khi chứng kiến những đổi thay tích cực trong đời sống của người dân. Tại nhiều vùng quê Việt Nam đã mọc lên các khu công nghiệp, đời sống khang trang hơn. Theo ông Hoàng, nhìn tổng thể, thành tựu lớn nhất của Việt Nam thời gian qua là giảm nghèo, dân trí và chất lượng sống của người dân đều tăng, cả ở thành thị và nông thôn.

“Trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, Việt Nam bị tàn phá nặng nề. Tôi vẫn nhớ cảnh sơ tán qua cầu phao sông Hồng. Đêm gió rít. Ngồi dưới hầm, bom nổ ùng oàng ở trên. Những năm 80 của thế kỷ 20, hạ tầng Việt Nam còn chưa phát triển. Vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu phức tạp, những gì mà đất nước làm được như ngày hôm nay thật đáng trân trọng. Một trong những mong mỏi của kiều bào là Việt Nam tiếp tục ổn định phát triển, dù còn nhiều thách thức”, ông Hoàng cho hay.

Thách thức mà ông Hoàng nhận định là tranh chấp địa-chính trị khiến thương mại quốc tế có xu hướng giảm, ảnh hưởng tốc độ phát triển kinh tế. Trong khi đó, hạ tầng Việt Nam phát triển chưa kịp so tăng trưởng kinh tế. Giao thông đầu tư mạnh, song hiệu quả chưa như mong muốn. Ông Hoàng cũng kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân được tăng cường hơn nữa, vì đó là động lực lớn phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo phải tiếp tục được thúc đẩy, để cạnh tranh hiệu quả hơn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng đối phó các thách thức về môi trường.

Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng cũng diệu kỳ. Vị thế của “dải đất hình chữ S” không ngừng tăng lên. Tiếp xúc các đồng nghiệp, quan chức, những chuyên gia về Việt Nam hay người dân Nga, có thể nhận thấy họ dành cho Việt Nam sự tôn trọng lớn. Hình ảnh Việt Nam nghèo khó không còn nữa, thay vào đó, là một quốc gia đang phát triển mau lẹ, sôi động. “Quan trọng hơn là phải giữ thành quả và tiếp tục tiến lên. Kinh tế Việt Nam phát triển, xuất nhập khẩu tăng, đồng nghĩa cơ hội kinh doanh cho người Việt ở nước ngoài cũng tăng lên. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài vững mạnh, nghĩa là thêm nhiều nguồn lực để hướng về quê hương, Tổ quốc”, ông Hoàng chia sẻ.