Trăm miền hội tụ đảo xanh

Một cô giáo đã tạo nên Bản đồ Việt Nam từ ốc và sỏi trắng Trường Sa làm bài giảng cho học sinh. Những bếp lửa quê nhà bập bùng sao chè, sên mứt. Mì gạo Phú Thọ, trà Thái Nguyên, bánh chả Hà Nội, bánh dừa Bình Định… sẽ kịp gửi ra biển đảo chuyến này. Xuân này, những hình ảnh về chủ quyền biển đảo còn được thể hiện qua các cuộc triển lãm và quà tặng từ biển ngược lên rừng…
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh ở Cẩm Khê. Ảnh: NVCC
Học sinh ở Cẩm Khê. Ảnh: NVCC

Món quà xuân đặc biệt…

Trên những chuyến tàu chở quà Tết ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, có cả những người lính đã hoàn thành nghĩa vụ về lại đất liền, hành trang chất chứa tình đồng đội. Một cành hoa ốc, đôi cuốn sổ tay… và còn một món quà đặc biệt: Tấm thẻ sử dụng ứng dụng việc làm i-HR.

Ứng dụng i-HR sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn sẽ tự động phân tích, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm... nhằm tạo tương tác 24/7, giữa người lao động với doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. i-HR phát hành trên hai nền tảng: Mobile App và Website. Quân nhân xuất ngũ là đối tượng đầu tiên ứng dụng đề cập đến và có những ưu ái riêng được nhận diện thông qua hồ sơ. Xuân năm nay, quân nhân xuất ngũ ở biên giới, hải đảo nhận được món quà này, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận những môi trường công việc khác nhau. Kỹ sư Trần Vũ Thành, “cha đẻ” của ứng dụng cho biết, i-HR đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai trong tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên trên phạm vi toàn quốc; kết nối được khoảng hơn 500 doanh nghiệp, hơn 100 trường đào tạo nghề; được Ban Thanh niên quân đội kiểm duyệt, phối hợp triển khai phạm vi toàn quân… Nếu một quân nhân xuất ngũ khi tìm việc làm thì mức thu nhập sẽ cao hơn các hồ sơ khác khoảng vài triệu đồng một tháng. Bên cạnh đó, nếu họ quyết định học nghề hoặc đi du học thì sẽ có những ưu đãi riêng. Mục đích của ứng dụng là ghi nhận giá trị của người lính. Những nỗ lực, khát khao, rèn luyện họ đã tích lũy trong quân ngũ sẽ thật sự trở thành giá trị khi trở về cuộc sống đời thường.

Đội ngũ vận hành i-HR đã có khảo sát thực tế để nhận ra, lực lượng quân nhân xuất ngũ rất phù hợp trong việc phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, các nhà máy và khu công nghiệp mô hình mới... Đặc biệt, nếu họ được đào tạo nghề, ngoại ngữ trong khoảng sáu tháng đến hai năm thì hoàn toàn đủ năng lực sang nước ngoài học tập, lao động. Nền kinh tế vượt khó sau giai đoạn Covid-19 rất cần nguồn lao động đủ sức khỏe, bản lĩnh, được định hướng, đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi có những người lính chưa đủ thiết bị như smartphone, máy tính để cài app, tương tác tự động trên nền tảng công nghệ, giải pháp i-HR đưa ra là gửi và nhận phiếu khảo sát trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề chia sẻ sự hài lòng được chào đón lực lượng quân nhân xuất ngũ.

Trăm miền hội tụ đảo xanh ảnh 1

Bộ đội Trường Sa giữ trên tay tấm thẻ i-HR.

Xôn xao hương sắc vùng miền

Đến huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, chúng tôi gặp những em nhỏ sau giờ học thoăn thoắt đan nón lá, viết thư, thiếp chúc mừng năm mới gửi các chú bộ đội ở biên giới, hải đảo. Quê hương các em là địa phương duy nhất trong cả nước đã khánh thành 26 mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa mô phỏng tỷ lệ như cột mốc thật. Ngoài ra, có tới hơn 80 điểm trường ở Cẩm Khê đang trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông đưa về từ Trường Sa. Những năm gần đây, trong chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo”, địa phương đã ủng hộ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo với hình thức tọa đàm, giao lưu, vẽ tranh, viết thư cho các chú bộ đội tích hợp giáo dục chủ quyền biển, đảo vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… Dịp Tết, Phú Thọ tặng Trường Sa và Nhà giàn DK1 hàng tấn mì Hùng Lô, hàng trăm kg chè và rất nhiều nón lá.

“Xuân biên giới - Tết hải đảo” cũng đã lan tỏa đến Tuyên Quang. Chương trình, triển lãm ảnh “Tự hào biển, đảo Việt Nam” mang lại nhiều cảm xúc cho học sinh, sinh viên và nhân dân. Đồn biên phòng A Pa Chải (Điện Biên) cũng nhiều lần tổ chức triển lãm ảnh mang vẻ đẹp biển đảo và ủng hộ những món quà mang hương sắc núi rừng ra đảo xa. Năm nay, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Ninh Bình làm thủ công nhiều đồ chơi dân gian gửi tặng con em bộ đội hải quân, người dân nơi đảo xa. Nguyễn Trung Hiếu đóng quân tại đảo Trường Sa năm 2017, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền, anh trải qua nhiều ngành nghề, hiện là đầu bếp. Dù bận rộn đến mấy, mỗi dịp Tết đến xuân về, Hiếu đều tham gia tổ chức chương trình cho con em đồng đội. Bộ quân phục cũ gấp ngay ngắn nay được anh khoác lên. Anh hướng dẫn các em viết thư, làm thơ, viết lời chúc gửi tới biên giới, hải đảo. Có những người lính, dù công tác cùng quần đảo nhưng không hề biết tới nhau, trong kỳ nghỉ phép, họ bất ngờ gặp gỡ khi không mặc quân phục, không khoác súng trên vai, họ chở nhau trên xe máy đi khắp nơi cùng chăm lo hậu phương cho đồng đội còn đang làm nhiệm vụ.

Dịp Tết, Trường Sa vào mùa biển động. Những món quà từ mọi miền Tổ quốc càng góp phần tiếp thêm niềm tin, hy vọng để người lính và hậu phương của họ thêm vững vàng, nhiệt huyết.

Từ tháng 8/2021, đã có 110 chiến sĩ Trường Sa xuất ngũ gửi đơn về i-HR và được đón nhận, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí. Xuân năm nay, i-HR tiếp tục đón nhận bộ đội biên giới, hải đảo và khắp mọi miền Tổ quốc.