Tơ đồng ngân vang

Nói về Tiếng Tơ Đồng, hẳn người Việt Nam nào sống ở Créteil cũng biết, ngay cả những đứa trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở đây cũng có thể nói cho bạn nghe về Tiếng Tơ Đồng và người “khai sinh” ra nó, GS âm nhạc Hồ Thụy Trang.
0:00 / 0:00
0:00
Múa cờ dân tộc tại hội chợ Paris.
Múa cờ dân tộc tại hội chợ Paris.

TP Créteil nằm phía đông nam ngoại ô Paris (Pháp) với hơn 92 nghìn người, tập trung rất nhiều nền văn hóa đặc trưng cho nền văn hóa đa dân của nước Pháp. Có người Việt Nam sinh sống khá đông nên Créteil nói riêng và Paris nói chung là điểm hẹn văn hóa của những người Việt Nam đang sống tại Pháp và thậm chí cả châu Âu. Khi hội đoàn âm nhạc dân tộc Tiếng Tơ Đồng do GS Hồ Thụy Trang sáng lập ngày càng khẳng định vị thế tại Paris thì danh tiếng của văn hóa Việt Nam càng được đông đảo người Việt cũng như cộng đồng các dân tộc khác biết đến.

GS Hồ Thụy Trang sinh tại TP Hồ Chí Minh trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Tròn bảy tuổi, chị đã vượt qua cuộc thi vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, nay là Nhạc viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp hạng ưu năm 1986, bắt đầu sự nghiệp giảng dạy âm nhạc. Từ năm 2003, Hồ Thụy Trang sang Pháp và định cư tại Créteil. Chị đã trải qua cuộc thi khó khăn để nhận bằng Quốc gia của Bộ Văn hóa - Thông tin Pháp và trở thành một trong ba người Việt Nam tính đến nay được Chính phủ Pháp công nhận chức danh “Giáo sư âm nhạc Việt Nam”. Hồ Thụy Trang đã giảng dạy môn Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại các thành phố Marseille, Bordeaux và Lausanne (Thụy Sĩ), tại nhạc viện các thành phố ngoại ô Paris. Tham gia hết mình vào các liên hoan âm nhạc trên thế giới, chị hiểu được giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam và những thách thức duy trì nền văn hóa này ở các vùng đất hải ngoại.

Tiếng Tơ Đồng đã có tới 22 năm tồn tại, là hội đoàn văn hóa Việt Nam duy nhất được Chính phủ Pháp cấp giấy phép biểu diễn, một sự thừa nhận không hề đơn giản với hội đoàn có quy mô nhỏ của ngày đầu thành lập và lại là hội đoàn nghệ thuật âm nhạc dân tộc ngoại Pháp.

Từ một nhóm nhạc dân tộc…

Hồi đầu thành lập, Tiếng Tơ Đồng gồm sáu thành viên đến từ Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ và Việt Nam với các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu, tỳ bà… Sau vài năm tạo dựng được chỗ đứng trong dòng nghệ thuật của thành phố, vào tháng 11/2006, nhóm nhạc chính thức được công nhận như một tổ chức văn hóa (danh hiệu chính thức của Chính phủ Pháp theo Điều luật 1901) với 15 thành viên là những nhạc công cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Vào năm 2010, nhóm đã phát triển lên một bước tiến mới, với 18 thành viên nhiều quốc tịch cùng những nhạc cụ khác ngoài nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Sự đa dạng đó đã giúp cho nhóm vươn tầm ra ngoài cộng đồng người Việt để hòa vào cuộc sống âm nhạc địa phương. Những giai điệu dân tộc được hòa phối cùng giai điệu của cộng đồng quốc tế. Tiếng Tơ Đồng còn phát triển thêm bộ gõ với trống, cốc, chũm chọe, lục lạc... vốn ít xuất hiện trong các cuộc biểu diễn ở nước ngoài. GS Hồ Thụy Trang còn lập thêm ban múa và lớp ca cổ cải lương do các nghệ sĩ có tên tuổi tại hải ngoại trực tiếp hướng dẫn, trong số đó phải kể đến nghệ sĩ Thanh Bạch và Thi Mai, người đang quản lý lớp ca cổ cải lương. Về kế hoạch phát triển tiếp theo của Tiếng Tơ Đồng, chị Hồ Thụy Trang cho biết: “Ngoài vấn đề giữ gìn âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp, tôi vẫn luôn giữ mối liên hệ trong nước, nơi có cái nôi của âm nhạc dân tộc, tôi sẽ cùng với Tiếng Tơ Đồng đồng hành giữ gìn cùng với phát huy nền âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ của Việt Nam tại Pháp”.

Tơ đồng ngân vang ảnh 1

Cô Thụy Trang cùng học viên biểu diễn tại Lễ hội Mùa Xuân. Ảnh: NVCC

…đến góp phần giữ hồn dân tộc bên ngoài đường biên

Khi được hỏi vì sao đã chọn Tiếng Tơ Đồng làm nơi sinh hoạt nghệ thuật, chị Phạm Khánh Linh, nghiên cứu sinh năm thứ nhất trả lời: “Tôi mới sang Pháp, một đất nước hoàn toàn mới lạ, nhưng tôi đã rất may mắn gặp được Tiếng Tơ Đồng và được biểu diễn những làn điệu dân gian với múa nón, múa lồng đèn, múa dù Sa Pa khiến tôi thật sự rất lâng lâng, cảm thấy rất tự hào ở nơi không có ai đội nón lá, không có ai cầm lồng đèn Hội An giống mình. Khi mọi người hô lên “À, đây là Việt Nam” thì tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc”.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người Việt sang học tập và làm việc tại Pháp, tìm đến Tiếng Tơ Đồng để khỏa lấp nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà và được tự hào mình là người Việt Nam. Không gì tuyệt vời bằng những hoạt động nghệ thuật cụ thể để người nghe có thể trực tiếp thưởng thức và đánh giá. Với họ, Tiếng Tơ Đồng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa dân tộc mà còn quảng bá những nét đẹp Việt Nam.

Những năm gần đây, hội đoàn rất được ủy ban thành phố tín nhiệm và mời tham gia tất cả các hoạt động nghệ thuật công chúng của Créteil. Điều đó tiếp thêm sức mạnh để mới đây GS Hồ Thụy Trang đã đề nghị và được chính quyền đồng ý đưa nhạc dân tộc Việt Nam vào giảng dạy trong các trường âm nhạc tại Pháp. Đó là một thành công vô cùng to lớn!