Nhờ đó, một số địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng ớt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Gặp anh Nông Văn Ðức (thôn Hợp Nhất, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng) đang chăm sóc vườn ớt chờ đến ngày thu hoạch chia sẻ: Những năm trước, đồng ruộng ở đây chỉ cấy được một vụ lúa, khi thu hoạch lúa hè thu xong, thì ruộng bị bỏ hoang đến năm sau. Nhưng từ bốn năm nay, khi quả ớt có giá, người dân trong thôn khi thu hoạch lúa hè thu xong là tiếp tục làm đất, gieo trồng cây ớt; giá trị quả ớt tươi cao từ hai đến ba lần so với cây lúa. "Gia đình năm nay trồng hơn sáu sào ớt, tăng hơn năm 2023 hai sào, dự kiến đến tháng 5, tháng 6 là cho thu hoạch, sau đó lại tiếp tục cấy lúa vụ hè thu. Mỗi năm mang lại thu nhập khá cao cho gia đình", anh Ðức nhấn mạnh.
Nhờ trồng cây ớt cho nên các hộ gia đình trong thôn đều có cuộc sống ổn định, hiện không còn hộ nghèo. Không chỉ gia đình anh Nông Văn Ðức, các hộ trong thôn đều tận dụng đất ruộng trồng ớt xuất khẩu, bình quân mỗi hộ trồng từ hai đến ba sào ớt... năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Lý Nông Văn Nam cho biết: Mấy năm trước cả xã chỉ có vài hộ trồng ớt, nhưng năm nay, diện tích trồng ớt toàn xã tăng lên hơn 100 ha. Một số hộ dân trong xã mạnh dạn trồng ớt, hộ trồng ít nhất cũng từ một sào đến ba sào ớt... Ðể hình thành vùng ớt xuất khẩu, từ năm 2022, xã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng ớt xuất khẩu với diện tích hơn 18 ha...
Huyện Chi Lăng là địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Lạng Sơn. Vụ xuân 2023, toàn huyện có 746 ha ớt, trong đó có hơn 400 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng hơn 80 ha so cùng kỳ năm 2022. Năm nay diện tích trồng ớt dự kiến tăng hơn 200 ha... Nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, địa phương đã phát triển thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy liên kết để tiêu thụ sản phẩm.
Hiện trên địa bàn huyện có 31 mã số vùng trồng ớt xuất khẩu tương ứng với hơn 192 ha. Ðể duy trì các mã số vùng trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt bảo đảm theo đúng yêu cầu đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phùng Văn Nghĩa cho biết: Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các xã bên cạnh việc tăng diện tích trồng ớt thì cũng tăng diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; theo đó, diện tích ớt VietGAP vụ xuân năm 2023 đã đạt hơn 320 ha/746 ha, hướng tới sẽ nâng diện tích trồng ớt tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 400 ha vào vụ đông-xuân năm nay. Huyện tiếp tục phối hợp một số doanh nghiệp đã được cấp mã số cơ sở đóng gói sản phẩm ớt xuất khẩu để thực hiện bao tiêu sản phẩm.
Với những lợi thế về đất đai, huyện Chi Lăng có đủ khả năng để xây dựng vùng trồng ớt xuất khẩu theo một lộ trình bài bản. Ðồng thời, chú trọng đến bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã... để tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm ớt của tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Ðinh Thị Thu, diện tích trồng ớt vụ đông-xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479 ha, tăng 100 ha so với niên vụ năm 2022; sản lượng thu hoạch đạt hơn 12 nghìn tấn. Năm nay, các địa phương đều mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu tăng từ 200-300 ha. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300-500 kg/sào. Nhiều hộ nông dân những năm qua tập trung trồng ớt trở thành cây chủ lực trong vụ sản xuất đông-xuân. Cây ớt đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn.